Multimedia Đọc Báo in

Sử dụng vốn Chương trình 135 ở xã Ea Bung: Cần hợp tình, hợp lý hơn

08:58, 06/08/2018

Thời gian gần đây, dư luận tại xã Ea Bung (huyện Ea Súp) bàn tán về việc xã đã dùng vốn Chương trình 135 để làm đường vào nhà Chủ tịch xã này, trong khi nhiều tuyến đường ở những khu vực khó khăn hơn lại chưa được đầu tư.

Tìm hiểu vụ việc, được biết trong hai năm 2014 và 2015, UBND xã Ea Bung đã dùng toàn bộ kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng để làm đường bê tông vào thôn 1. Tuyến đường dài hơn 650 m hoàn thành vào tháng 6-2015, bắt đầu từ kênh chính Tây vào đến nhà, vườn của ông Bùi Đức Hạnh, Chủ tịch UBND xã này nằm cuối đường. Ông Phan Thanh Pha, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ea Bung cho biết, theo chủ trương của Nhà nước về xây dựng đường nông thôn ở những khu vực khó khăn, xã biên giới bằng nguồn vốn Chương trình 135, địa phương đã làm tờ trình xin và được duyệt kinh phí xây dựng. Chủ trương của xã là việc bê tông hóa các tuyến đường nông thôn bắt đầu từ khu vực trung tâm xã rồi ưu tiên đến các thôn buôn khó khăn nhất. Vì vậy, trong hai năm 2014, 2015, nguồn vốn Trung ương, tỉnh thuộc Chương trình 135 đã được HĐND xã thống nhất đầu tư tại thôn 1, xã Ea Bung. Nhiều tuyến đường khác xấu hơn, như tuyến đường liên xã Ea Bung – Ya Tờ Mốt nhưng không thể đầu tư vì không đúng mục tiêu của nguồn vốn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Đức Hạnh cho biết các thôn buôn khác, dù chưa được bê tông hóa nhưng đã đầu tư giai đoạn 1 (rải cấp phối, san nền đất…) bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Trong khi đó thôn 1, nơi có nhà ông sinh sống là thôn được xác định có điều kiện kinh tế khó khăn và chưa được đầu tư về đường nông thôn lần nào. Vì vậy khi có vốn chương trình 135 xã đã ưu tiên đầu tư vào đây. Cũng theo ông Hạnh, thực chất dự án thực hiện tuyến đường này không đến cổng nhà ông. Để thuận lợi trong việc đi lại của gia đình, ông đã bỏ tiền mua thêm vật liệu và nhờ lực lượng thi công làm thêm một đoạn đến cổng nhà. “Dân cư thôn cũng đông đúc nên việc đầu tư là đúng chủ trương. Khi có đường bê tông, người dân trong thôn đã rất phấn khởi. Người dân được hưởng lợi và nhà mình ở trong đó cũng hưởng theo mà thôi” – ông Hạnh giải thích.

Tuyến đường vào thôn 1, nơi có nhà và trang trại xoài của gia đình ông Bùi Đức Hạnh,  Chủ tịch UBND xã Ea Bung, huyện Ea Súp.
Tuyến đường vào thôn 1, nơi có nhà và trang trại xoài của gia đình ông Bùi Đức Hạnh, Chủ tịch UBND xã Ea Bung, huyện Ea Súp.

Lý giải của ông Hạnh là vậy, nhưng theo người dân ở đây xã Ea Bung hiện có gần 50 cây số đường ngõ xóm và tất cả đều là đường đất và phải chịu cảnh lầy lội vào mùa mưa. Còn đoạn đường thôn 1 vào nhà ông Hạnh gần trung tâm xã, trung tâm huyện rất thuận lợi, không quá bức bách phải nâng cấp ngay. Nhiều tuyến đường đã xuống cấp rất nghiêm trọng và chỉ cần được ưu tiên vốn để đầu tư san lấp cũng đã tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc lưu thông của người dân.

Trước đó, dư luận cũng đã từng “xì xào” việc ông Trần Ngọc Quang, nguyên Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cũng được “ưu ái” làm đường bê tông nối tỉnh lộ 1 đoạn qua trung tâm thị trấn Ea Súp vào nhà của ông này. Cụ thể, tuyến đường dài khoảng 500 m, rộng 3 m nối nhà của ông Quang chạy men theo kênh chính Tây nối ra tỉnh lộ 1. Và thật vừa vặn, tuyến đường bê tông vào đến cổng nhà ông Quang thì hết vốn, không đầu tư tiếp(!).

Thiết nghĩ, xã Ea Bung nói riêng, huyện Ea Súp nói chung đang rất cần thu hút các nguồn vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở. Do vậy, cơ quan chức năng và địa phương cần làm rõ những vấn đề dư luận phản ánh để các cấp, ngành yên tâm trong việc hỗ trợ nguồn lực, nhân dân tin tưởng hơn chủ trương xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.