Thu hồi nợ đọng thuế: Những khó khăn cần tháo gỡ
Thời gian qua, mặc dù ngành Thuế đã áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, nhưng việc xử lý nợ đọng thuế trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn.
Cục Thuế tỉnh cho biết, tính đến nay tổng nợ thuế trên địa bàn tỉnh đã lên đến trên 945 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng thu trên 247 tỷ đồng. Như vậy, so với số tiền nợ thuế thời điểm 31-12-2017, tổng nợ thuế đã tăng gần 257 tỷ đồng, tương đương tăng 37,3%. Cụ thể, tiền thuế nợ đến 90 ngày trên 29,3 tỷ đồng, tăng 49,34%; tiền thuế nợ trên 90 ngày gần 87 tỷ đồng, tăng 121,59%; nhóm nợ chờ xử lý trên 82,1 tỷ đồng, tăng trên 11,4%; nhóm nợ khó thu trên 58,3 tỷ đồng, tăng 10,48%. Trong đó, thuế, phí tăng trên 2 tỷ đồng; các khoản nợ về đất tăng trên 199 tỷ đồng; tiền phạt, chậm nộp tăng hơn 50 tỷ đồng. Riêng hộ kinh doanh nộp thuế khoán, những tháng đầu năm tăng trên 6,4 tỷ đồng (chủ yếu tăng ở nhóm nợ khó thu, giảm nhóm nợ có khả năng thu).
Với những số liệu trên có thể thấy số nợ thuế trên địa bàn tỉnh đang có tốc độ tăng "chóng mặt" và số tăng tuyệt đối đang ở mức rất cao so với tổng thu. Thế nhưng có một thực tế là toàn tỉnh đã có 16 đơn vị tăng nợ so với thời điểm 31-12-2017 bao gồm: Văn phòng Cục (tăng trên 79,9 tỷ đồng); TP. Buôn Ma Thuột (gần 67 tỷ đồng); thị xã Buôn Hồ (3,2 tỷ đồng); Ea H'leo (trên 3,5 tỷ đồng); Krông Năng (trên 7,7 tỷ đồng); Krông Pắc ( trên 5,2 tỷ đồng); Ea Kar (gần 46 tỷ đồng); M'Đrắk (trên 3,8 tỷ đồng); Krông Ana (gần 5,7 tỷ đồng); Krông Búk (trên 3,7 tỷ đồng); Krông Bông (514 triệu đồng); Buôn Đôn (trên 1,1 tỷ đồng); Cư M’gar (272 triệu đồng); Cư Kuin (trên 18,8 tỷ đồng); Ea Súp (trên 9,5 tỷ đồng); Lắk (669 triệu đồng).
Cán bộ Chi cục Thuế huyện Cư M'gar kiểm tra hóa đơn, chứng từ tại một doanh nghiệp. |
Cùng với việc nợ thuế tăng, công tác thu nợ cũng đang gặp nhiều khó khăn. Chỉ tiêu tổng nợ trên tổng thu so với dự toán thu thuế, phí năm 2018 toàn tỉnh là 23,1%, không đạt so với chỉ tiêu Tổng cục Thuế giao là dưới 5%. Trong đó, có 14 đơn vị tỷ lệ cao hơn mức được giao (phải đạt dưới 12%) như các Chi cục Thuế Krông Búk 142%, Ea H'leo 138,1%, Ea Kar 111,7%, thị xã Buôn Hồ 100,9%, Ea Súp 108,7%, Cư Kuin 92,6%, Buôn Đôn 59,9%, Cư M'gar 48,3%, Krông Năng 82,5%... và chỉ có hai đơn vị đạt chỉ tiêu này là Văn phòng Cục Thuế (6,3%), Chi cục Thuế huyện Krông Bông (10,3%). Ngoài ra, có 8 đơn vị không đạt chỉ tiêu thu nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tiền thuế, phí thời điểm 31-12-2017 chuyển qua là Chi cục Thuế các huyện Krông Pắc 41%, Ea H'leo 22%, Krông Năng 55%, Cư Kuin 12%, Krông Búk 34%, Cư M’gar 53%, Lắk 48%, Krông Bông 57%.
Năm 2018, ngành Thuế tỉnh đã đặt quyết tâm thực hiện phương châm đẩy lùi nợ thuế cũ, hạn chế để phát sinh nợ thuế mới, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong công tác quản lý nợ, tập trung thu và xử lý nợ đọng thuế , phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu nợ và giảm nợ được giao. Do đó, Cục Thuế tỉnh đã triển khai hàng loạt biện pháp, giải pháp để thực hiện nhiệm vụ thu nợ đọng thuế của ngành và chống thất thu ngân sách tỉnh như: tiếp tục rà soát công khai minh bạch nợ đọng thuế, giao chỉ tiêu, đánh giá việc thực hiện chỉ tiêu thu nợ thuế, giảm nợ thuế đến từng công chức, từng lãnh đạo để thực hiện hằng tuần, tháng, quý, kịp thời giải quyết hồ sơ miễn, giảm thuế (nhất là các khoản nợ tiền thuê đất), không tính tiền chậm nộp, giải quyết hồ sơ xóa nợ thuế, theo dõi giám sát thường xuyên sự biến động về nợ thuế, phân loại nợ thuế chính xác, đúng tính chất nợ, tập trung xác minh nhân thân, tài sản các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã phân vào nhóm nợ khó thu, từ đó áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ của ngành trong thu hồi nợ thuế. Đồng thời áp dụng đầy đủ, kịp thời, đúng trình tự, thủ tục công tác cưỡng chế nợ thuế, tập trung công tác công khai thông tin người nợ trên các phương tiện thông tin đại chúng, đảm bảo tất cả doanh nghiệp thuộc trường hợp cưỡng chế nợ thuế đều ban hành quyết định cưỡng chế; hộ cá nhân kinh doanh nợ thuế lớn nhiều kỳ, nhiều năm đều áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90% số tiền cưỡng chế nợ thuế so với tổng số tiền phải cưỡng chế nợ thuế tại từng thời điểm...
Mặc dù đã có sự vào cuộc quyết liệt của ngành Thuế, nhưng nợ thuế vẫn tăng, trong đó có nguyên nhân là số nợ thuế không phản ánh đúng thực trạng vấn đề này. Theo lý giải của ngành Thuế, nếu loại trừ tiền nợ phát sinh khách quan (khoảng 337 tỷ đồng) do chuyển nợ chờ điều chỉnh, chờ xử lý chuyển qua (189 tỷ đồng); tiền truy thu của kiểm toán đối với hộ nông trường viên không được miễn, giảm trước đây (98 tỷ đồng); tiền chậm nộp nợ khó thu, nợ điều chỉnh tăng 50 tỷ đồng, thì nợ thực sự đã giảm được 81 tỷ đồng so với thời điểm 31-12-2017. Đây là những khoản nợ “ảo” bởi gần như không còn khả năng thu.
Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố khách quan, việc chậm xử lý của ngành Thuế để giảm nợ thuế liên quan đến hồ sơ thực hiện miễn, giảm tiền thuê đất, liên quan đến hóa đơn bất hợp pháp, việc thực hiện phân loại nợ đúng theo tính chất nợ quy định, rà soát đối chiếu để nhập các khoản nợ liên quan đến đất theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước vào ứng dụng để quản lý; khắc phục các tồn tại qua kết quả kiểm toán năm 2017 và các năm trước… còn chậm khiến con số nợ thuế liên tục tăng.
Từ đầu năm đến nay, ngành Thuế tỉnh đã đôn đốc, thu nợ cũ được trên 204,7 tỷ đồng. Trong đó, thu nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31-12-2017 chuyển qua được gần 86 tỷ đồng; phối hợp thu nợ xây dựng cơ bản thuộc vốn ngân sách Nhà nước trên 32 tỷ đồng; thu nợ từ tiền thuê đất được 86,7 tỷ đồng; thu nợ tiền thuê đất truy thu theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước liên quan đến hộ nông trường viên 23,7 tỷ đồng... |
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc