Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp: Bắt đầu từ đâu?
Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp hướng đến mục tiêu đẩy mạnh liên kết, phát triển thương mại - dịch vụ nông sản nhằm phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hiện đại, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng và xuất khẩu. Đến nay, đã 5 năm thực hiện đề án (2013-2018), nhưng nông sản vẫn gặp khó về đầu ra.
Nông sản tiêu thụ chậm
Là tỉnh trung tâm vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk có rất nhiều lợi thế trong việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững như khí hậu, thổ nhưỡng, giao thương hàng hóa… Song trên thực tế các nông sản được sản xuất tại Đắk Lắk tuy năng suất, sản lượng lớn nhưng lại gặp khó khăn về “đầu ra”. Ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng NN–PTNT huyện Cư M’gar phân tích, trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 xác định cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, sắn thuộc nhóm cây có lợi thế cạnh tranh và còn giá trị gia tăng lớn được ưu tiên phát triển. Tuy nhiên hiện nay cà phê, hồ tiêu vẫn bán được, nhưng tiêu thụ rất chậm, giá trị còn thấp do sản phẩm chế biến sâu ít và tiêu thụ các sản phẩm chế biến sâu khó khăn. Còn cây sắn hiện lại thiếu hụt nguồn giống sắn chất lượng đang ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất, chất lượng củ sắn cuối vụ thu hoạch cũng như các sản phẩm thành phẩm sau chế biến sâu. Việc liên kết theo chuỗi luôn được địa phương chú trọng, nhưng việc triển khai rất lúng túng do thiếu thông tin thị trường, doanh nghiệp liên kết cũng gặp khó về nguồn vốn, nguồn nhân lực đạt chất lượng.
Vườn cây công nghiệp đa canh ở huyện Krông Năng. |
Tương tự, ông Lê Rế, Trưởng phòng NN–PTNT huyện Krông Năng cho rằng, bên cạnh cà phê, hồ tiêu, sầu riêng thì bơ cũng là một trong những mặt hàng có giá trị được định hướng xuất khẩu và người dân địa phương đang phát triển xen canh trên vườn cây công nghiệp. Trồng xen canh tạo hệ sinh thái đa dạng cho vườn cây, gia tăng thu nhập trên cùng một diện tích, tuy nhiên đầu ra vẫn đang phụ thuộc vào thương lái. Việc chế biến thành các sản phẩm có giá trị gia tăng như tinh dầu bơ, kẹo bơ, kem bơ… vẫn chưa được quan tâm đầu tư.
Còn với chăn nuôi, phát triển theo hướng hàng hóa thông qua việc chuyển đổi hình thức từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang bán công nghiệp được người dân thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, khi sản phẩm làm ra rồi lại gặp khó trong khâu tiêu thụ khiến giá giảm mạnh, nhiều nông dân phải chịu thua lỗ. Do đó, hiện nay người chăn nuôi đang thu hẹp đàn về quy mô vừa và nhỏ, thậm chí một số trang trại quay lại chăn nuôi quy mô nông hộ nhỏ lẻ.
Bám sát thị trường
Theo phân tích của các chuyên gia nông nghiệp, sở dĩ các nông sản trên gặp khó về đầu ra do bản thân nó không đủ phẩm chất mà thị trường yêu cầu chứ không phải thị trường không có nhu cầu. Cụ thể như hồ tiêu, tồn dư thuốc bảo vệ vượt mức cho phép do lạm dụng hóa chất trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản; trái cây thiếu sự đồng đều về kích cỡ, chất lượng, số lượng, thiếu công nghệ, phương tiện bảo quản đúng tiêu chuẩn; heo không đạt yêu cầu về chất lượng do thiếu cơ sở giết mổ bảo đảm chất lượng, khâu vận chuyển, bảo quản còn nhiều bất cập…
Chăn nuôi bò bán công nghiệp tại huyện Cư M’gar. |
Góp ý cho việc tháo gỡ thực trạng này, ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng NN–PTNT huyện Cư M’gar cho rằng, muốn tái cơ cấu ngành bền vững thì phải tuân thủ nhu cầu của thị trường và Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ vấn đề này. Thực tế hiện nay ngành Nông nghiệp vẫn chưa quyết liệt thực hiện tái cơ cấu ngành bởi phát triển nông nghiệp bền vững buộc phải phát triển chiều rộng gắn với chiều sâu. Tuy nhiên các nông sản hiện nay mới chỉ tăng sản lượng, tăng diện tích mà chưa phát triển khâu chế biến bám sát theo yêu cầu của thị trường. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến thực trạng này là do chưa xác định được nội dung mấu chốt cần làm, nội dung nào làm trước, nội dung nào làm sau trong tái cơ cấu ngành. Trong khi đó, nguồn lực tái cơ cấu còn hạn chế nên các địa phương cứ loay hoay trong tái cơ cấu và chạy theo nông dân.
Như vậy, muốn tái cơ cấu thành công thì chính sách, chiến lược phải đi trước và điều chỉnh song song dựa trên thực tiễn sản xuất. Do đó, ngành Nông nghiệp cần đánh giá toàn diện về tái cơ cấu ngành nhằm tìm ra những khoảng trống cần phải lấp đầy theo thứ tự ưu tiên để dồn lực thực hiện trước. Trong đó, việc tìm kiếm thị trường để tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm theo nhu cầu từng thị trường là một trong những nội dung then chốt tái cơ cấu phải làm ngay.
Sở NN–PTNT cho biết, đơn vị đang khảo sát, tổng hợp kết quả và ý kiến góp ý của các địa phương sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp (2013-2018). Dựa trên những kết quả này, ngành sẽ điều chỉnh, đưa ra kế hoạch, giải pháp cụ thể để tái cơ cấu cho từng lĩnh vực trong những năm tiếp theo. |
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc