Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc: Khi nào mới thực hiện?
08:09, 26/08/2018
Để phát triển chăn nuôi bền vững và hướng đến xuất khẩu sản phẩm, ngành thú y của tỉnh đang chủ động trong giám sát dịch tễ các dịch bệnh gia súc, gia cầm nhằm xây dựng và nhân rộng các vùng chăn nuôi an toàn.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, chăn nuôi trên địa bàn Đắk Lắk những năm gần đây phát triển tương đối ổn định, các loại dịch bệnh nguy hiểm như tai xanh, dịch tả, cúm gia cầm, cơ bản được khống chế.
Tuy nhiên, bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên đàn gia súc năm nào cũng phát sinh các ổ dịch. Đơn cử như năm 2017, bệnh dịch đã xảy ra ở địa bàn các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Búk, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột với nhiều diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ổ dịch hơn, số lượng gia súc mắc bệnh cũng tăng hơn so với những năm trước khiến việc xử lý triệt để ổ dịch gặp nhiều khó khăn.
Một trang trại chăn nuôi heo ở huyện Cư Kuin. |
Tổng con gia súc mắc bệnh là 972 con, chủ yếu xảy ra trên đàn bò, trong đó tiêu hủy 72 con bò và heo. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, bệnh LMLM cũng đã xảy ra trên đàn bò 182 con của 48 hộ dân, 3 thôn ở xã Cư Kpô (huyện Krông Búk). Để ngăn chặn dịch bệnh lan rộng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Trạm Thú y huyện Krông Búk tổ chức phun tiêu độc khử trùng, tiêm phòng bao vây cho đàn bò 800 con.
Trên thực tế, nguyên nhân gây ra bệnh dịch chủ yếu do người chăn nuôi chưa quan tâm đến việc chăn nuôi an toàn dịch, nhất là tình trạng chuồng trại rất tạm bợ, đa phần nền đất nên mầm bệnh dễ phát triển nhanh. Mặc dù cũng có khá nhiều hộ đã có ý thức xây nền chuồng bằng xi măng cho gia súc ở, tuy nhiên khu để chất thải lại sát với chuồng nên mầm bệnh dễ phát tán. Bên cạnh đó, với đặc điểm chăn nuôi thả rong vào rừng là chính đã gây khó khăn cho công tác tiêm phòng. Chính vì vậy, nhiều địa phương mặc dù tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% so với tổng đàn, nhưng vẫn xảy ra dịch
Trước tình hình trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang xây dựng Đề án về vùng an toàn dịch bệnh LMLM, dịch tả heo tại các cơ sở chăn nuôi gia súc tập trung và đàn gia súc chăn nuôi phân tán trên địa bàn huyện Ea Kar; hướng đến mở rộng xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại tại các địa phương khác trên toàn tỉnh. Mục đích của Đề án là nhằm khống chế không để xảy ra dịch bệnh LMLM, dịch tả heo, đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và hướng đến xuất khẩu.
Nuôi bò thả rông trên địa bàn xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột). |
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, một trong những lợi thế khi xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh là gia súc, sản phẩm gia súc được ưu tiên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; được xem xét cấp Giấy chứng nhận đạt Quy phạm thực hành chăn nuôi tốt Việt Nam (VietGAHP) khi có yêu cầu; được phép vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi vùng dịch (dịch bệnh đã đăng ký); được ưu tiên tham gia chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm của gia súc từ cơ sở an toàn dịch bệnh cho các cơ sở giết mổ, chế biến, hệ thống cung cấp sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu…
Trong khi chờ lấy kiến ý của các địa phương, sở, ngành để hoàn thiện đề án, ngành Thú y khuyến khích người dân chuyển đổi dần phương thức chăn nuôi từ nông hộ sang chăn nuôi trang trại tập trung. Ngoài ra, ngành cũng tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, chú trọng vào việc tiêm phòng vắc xin và vệ sinh tiêu độc khử trùng cho các hộ chăn nuôi quy mô gia đình; tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, giết mổ, chế biến động vật và sản phẩm động vật; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm của các trang trại chăn nuôi gia súc.
Theo Dự thảo Đề án về vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng, phấn đấu đến năm 2022, 100% cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại và 100% số cơ sở xã trên địa bàn huyện Ea Kar được công nhận an toàn dịch bệnh và tiếp tục hoàn chỉnh việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh; 100% số cơ sở chăn nuôi và xã đã công nhận an toàn dịch bệnh được đánh giá và lấy mẫu giám sát định kỳ sau tiêm phòng hoặc giám sát vi rút tối thiểu 1 lần/1 năm. |
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc