Multimedia Đọc Báo in

Ea Kar đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi

10:00, 12/09/2018

Nhằm phát triển thế mạnh về ngành chăn nuôi, thời gian qua, huyện Ea Kar đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giúp người dân thay đổi phương pháp canh tác truyền thống, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung gắn với áp dụng kỹ thuật tiên tiến trên diện rộng.

Cải tạo đàn bò bằng thụ tinh nhân tạo là một trong những tiến bộ kỹ thuật đã và đang được nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ea Kar ứng dụng trong chăn nuôi bò. Hiệu quả của việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật này đã góp phần cải thiện tầm vóc, xây dựng được đàn bò cái lai làm nền để lai tạo các giống bò thịt có chất lượng cao, tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Chị Trần Thị Duyên (xã Xuân Phú) cho biết, gia đình chị thực hiện việc thụ tinh nhân tạo cho bò đã hơn 2 năm nay, kết quả cho thấy những con bê lai sinh ra đều khỏe mạnh, ăn nhiều, phát triển nhanh về trọng lượng, siêu thịt và ít bệnh. Hiện nay, gia đình chị có 8 con bò cái đã được thụ tinh nhân tạo (thuộc chương trình Khuyến nông quốc gia). Theo đó, ngoài được hỗ trợ tinh miễn phí, mỗi con bò tham gia chương trình còn được hỗ trợ 1,2 tấn cám.

Một hộ dân ở xã Xuân Phú thực hiện mô hình ủ thức ăn cho bò từ phụ phẩm nông nghiệp.
Một hộ dân ở xã Xuân Phú thực hiện mô hình ủ thức ăn cho bò từ phụ phẩm nông nghiệp.

Anh Phạm Xuân Toàn, cán bộ khuyến nông xã Xuân Phú cho biết: “Trên thực tế, những năm qua, tập quán của người chăn nuôi chủ yếu áp dụng cách phối giống cho bò bằng cách cho lấy giống trực tiếp thay vì gieo tinh nhân tạo, cách này còn nhiều hạn chế là giống lai không tốt, nuôi kém, tiến bộ di truyền thấp. Do đó, khoảng 2 năm trở lại đây, một số hộ dân đã mạnh dạn áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho bò. Hiện nay, toàn xã có gần 200 hộ chăn nuôi bò với số lượng khoảng 1.000 con; trong đó, có rất nhiều hộ chăn nuôi đã thực hiện phương pháp mới nói trên”. Được biết, đầu năm 2018, trên địa bàn xã Xuân Phú có 35 hộ nuôi bò được chương trình Khuyến nông quốc gia hỗ trợ thụ tinh nhân tạo với số lượng 100 con (được hỗ trợ tinh miễn phí và 1,2 tấn cám/con). Theo anh Toàn, việc thụ tinh nhân tạo nhằm cải tạo đàn bò từ giống thuần Việt sang lai tạo với các giống bò ngoại, chất lượng cao để tạo ra những con bê lai khỏe mạnh, khắc phục được tình trạng suy thoái đàn bò do cận huyết; góp phần tăng tầm vóc, thể trạng và sức sản xuất của đàn bò, nhất là với đàn bò thịt. Điều này không chỉ mang lại hiệu quả to lớn về mặt kinh tế - xã hội mà còn tăng tỷ trọng sản xuất chăn nuôi, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân.

Việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi góp phần nâng cao năng suất, giảm chi phí đầu tư, công lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế; đặc biệt tạo điều kiện để địa phương phát triển đàn vật nuôi và mở rộng diện tích chăn nuôi theo hướng tập trung.

Song song với việc mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để lai tạo đàn bò, thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi bò ở các xã như Cư Huê, Xuân Phú, Ea Sar, Ea Kmút… đã triển khai thực hiện mô hình ủ thức ăn cho bò từ phụ phẩm nông nghiệp. Với việc tận dụng những phụ phẩm trong sản xuất như rơm, thân và cùi ngô, vỏ ca cao… để ủ thức ăn đã giải quyết được việc thiếu nguồn thức ăn cho bò vào mùa khô, thời điểm khan hiếm cỏ. Bên cạnh đó, góp phần giảm công lao động đi cắt cỏ cho người chăn nuôi, tận dụng được những phế phẩm trong nông nghiệp, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do phế phẩm nông nghiệp gây ra khi bước vào vụ mùa. 

Đàn bò đang thực hiện chương trình thụ tinh nhân tạo của gia đình chị Trần Thị Duyên (xã Xuân Phú).
Đàn bò đang thực hiện chương trình thụ tinh nhân tạo của gia đình chị Trần Thị Duyên (xã Xuân Phú).

Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Ea Kar, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn huyện hiện có gần 2.099.000 con; trong đó, 22.300 con bò, 5.420 con trâu, 106.160 con heo và trên 1.964.000 con gia cầm. Để giúp người dân nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi, ngoài mô hình thụ tinh nhân tạo và ủ thức ăn cho bò thì nhiều tiến bộ kỹ thuật mới cũng được chuyển giao như: mô hình ủ thức ăn cho heo thịt bằng men sinh học, chăn nuôi heo rừng lai, sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà, chăn nuôi gà an toàn và theo tiêu chuẩn VietGAP...

Có thể thấy, với việc mạnh dạn ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào quá trình chăn nuôi trong lĩnh vực chọn tạo giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, vắc xin thú y phòng chống dịch bệnh… nhiều nông hộ trên địa bàn huyện Ea Kar đã tạo nguồn thu nhập ổn định, sản phẩm có chất lượng; hơn thế nữa đã thay đổi nhận thức, tập quán chăn nuôi truyền thống không mấy hiệu quả. Do đó, ngoài những nỗ lực của các hộ dân cần sự tiếp tục hỗ trợ của các ban, ngành, địa phương để nhân rộng hơn nữa những mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, góp phần nâng cao tiềm lực khoa học – công nghệ tại địa phương.

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.