Multimedia Đọc Báo in

Nguy cơ mất mùa do bệnh khảm lá sắn

08:25, 11/09/2018

Cây sắn hiện đang trong giai đoạn nuôi thân, nuôi lá nhưng bệnh khảm lá sắn xuất hiện khiến nhiều diện tích đối mặt với nguy cơ cao bị mất mùa, nông dân phải chịu cảnh thua lỗ.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tính đến cuối tháng 8-2018, toàn tỉnh phát hiện 1.130 ha sắn bị bệnh khảm lá sắn, tập trung tại các huyện Krông Bông, Ea Súp, Buôn Đôn, M’Đrắk, Ea Kar, Krông Pắc, Ea H’leo. Trong đó, nhiễm nặng trên 70% gần 165 ha, nhiễm từ 30-70% là 951 ha, từ 5-10% là 13 ha. Đa số diện tích bị nhiễm bệnh đều sử dụng giống mới không rõ nguồn gốc. Hiện tại hầu hết các diện tích sắn bị nhiễm bệnh đều có triệu chứng đặc trưng là khảm vàng loang lổ trên lá, mức độ hại nhẹ thì lá không bị biến dạng hoặc biến dạng nhẹ, mức độ nặng lá xoăn, cong queo, nhăn nhúm.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra thực địa tại xã Ea Khal,  huyện Ea H’leo.
Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra thực địa tại xã Ea Khal, huyện Ea H’leo.
 

“Ngoài việc hạn chế luân canh sắn thì người dân cũng không trồng những cây ký chủ bọ phấn trắng trên các thửa đất đã trồng sắn như thuốc lá, cà chua, cà pháo, cà bát, bầu, bí, ớt… Đồng thời, sử dụng bẫy dính vàng treo trên đồng ruộng để tiêu diệt đầu mối trung gian truyền bệnh - bọ phấn trắng. Riêng những vùng có nguy cơ bùng phát bệnh cần phòng trừ bọ phấn trắng bằng thuốc bảo vệ thực vật và phun khi bọ phấn ở giai đoạn ấu trùng; và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang giống sắn mới KM94, KM419, KM140…”.

 
Ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh

Khảm lá sắn là bệnh nguy hiểm, hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm và có khả năng lây lan sang vụ mùa tiếp theo, nhưng một số nông dân trồng sắn lại không biết hiện đang có dịch bệnh nguy hiểm này. Bà H'Zét (xã Ea Khăl, huyện Ea H'leo) có một vườn sắn đang bị bệnh khảm lá sắn cho hay, diện tích sắn của gia đình khoảng 1 ha, năm 2017 bán được giá 2.500 đồng/kg sắn tươi, gia đình thu về gần 20 triệu đồng nên năm nay gia đình tiếp tục trồng sắn trên diện tích đó. Hiện tượng xoăn lá xuất hiện vài tháng nay, nhưng gia đình không biết là bị bệnh gì, chỉ đến khi có đoàn kiểm tra đến thăm vườn và chia sẻ thông tin bà mới biết vườn sắn của gia đình bị bệnh khảm lá sắn.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, bệnh khảm lá sắn có tên khoa học là Srilanka Casava Mosaic virus, lan truyền qua môi giới là bọ phấn trắng, hom giống lấy từ cây bị bệnh. Mức độ thiệt hại của bệnh khảm lá sắn tùy thuộc vào thời gian xuất hiện bệnh. Cụ thể, những hom giống bị bệnh và cây sắn còn non bị bệnh sẽ không cho thu hoạch; cây sắn lớn bị bệnh làm giảm năng suất sắn cuối vụ. Trên thực tế, bệnh khảm lá sắn đã gây hại nặng trên cây sắn ở Campuchia và lây lan sang Lào, Việt Nam. Tại Việt Nam, bệnh được phát hiện vào tháng 6-2017 ở tỉnh Tây Ninh. Theo số liệu mới nhất, tỉnh Tây Ninh đã có 14.856 ha bị bệnh khảm lá sắn, trong đó khoảng 200 ha nhiễm nặng. Hiện tại, bệnh đã lây sang tỉnh Bình Dương với diện tích nhiễm gần 200 ha, trong đó giống sắn HLS11 bị bệnh nặng nhất và mật độ bọ phấn trắng trên cây cũng cao hơn các giống sắn khác.

Một vườn sắn bị bệnh khảm lá sắn ở huyện Ea H’leo.
Một vườn sắn bị bệnh khảm lá sắn ở huyện Ea H’leo.

Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã có văn bản gửi các địa phương hướng dẫn cách phòng trừ. Đồng thời cử cán bộ tổ chức điều tra, rà soát bệnh khảm lá sắn trên toàn tỉnh; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nông dân và các thương nhân buôn bán giống nắm rõ tác hại của bệnh khảm lá sắn cũng như hướng dẫn nông dân tiêu hủy triệt để cây bị bệnh, phun trừ bọ phấn trắng để tiêu diệt nguồn môi giới truyền bệnh.

Thanh Hường

 


Ý kiến bạn đọc