Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả thiết thực từ Dự án "Ngân hàng bò" tại M'Đrắk

09:14, 10/09/2018

Những năm qua, huyện M'Đrắk được hưởng nhiều chương trình hỗ trợ của Nhà nước để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân. Trong đó, dự án “Ngân hàng bò” đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, ý nghĩa, góp phần trực tiếp vào kết quả giảm nghèo tại địa phương.

Bà Lê Thị Tuấn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện M'Đrắk cho biết: “Ngân hàng bò” không chỉ thiết thực ở hiệu quả do dự án mang lại mà thiết thực còn ở cách thức duy trì và phát triển. Hộ nghèo hưởng lợi phải được lựa chọn phù hợp với các tiêu chí dự án đề ra và đều ký cam kết thực hiện theo quy định.

Theo đó, hộ nghèo sẽ được trao tặng một con bò giống, sau khi nuôi, nếu đẻ lứa đầu là bê cái thì hộ đó tiếp tục chăm sóc bê con đến khi biết ăn, sau đó sẽ chuyển giao con bê này cho hộ nghèo khác nuôi, hộ nuôi ban đầu được sở hữu bò giống. Chu trình này cứ tiếp tục như vậy, đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều hộ nghèo khác được trợ giúp.

Trong trường hợp bò giống đẻ lứa đầu là bê đực, hộ nuôi chăm sóc cho đến biết ăn, Hội Chữ thập đỏ xã sẽ bán con bê đực đó và mua một con bò cái trao cho hộ nghèo khác nuôi. Bà Tuấn khẳng định: “Đây là một trong những chương trình giảm nghèo mang tính bền vững bởi người dân phải tích cực lao động, chăm sóc bò sinh sản mới có cơ hội phát triển kinh tế”.

Cán bộ  Hội Chữ thập đỏ xã Cư San  (bìa trái) đến thăm và kiểm tra bò giống  tại gia đình chị Bàn Thị Huệ ở thôn 6.
Cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã Cư San (bìa trái) đến thăm và kiểm tra bò giống tại gia đình chị Bàn Thị Huệ ở thôn 6.

Hiệu quả thiết thực của Dự án "Ngân hàng bò" đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng, thu hút sự quan tâm chung tay ủng hộ người nghèo trong các cấp hội. Trong hai năm (2014 - 2015), các cấp hội Chữ thập đỏ huyện M'Đrắk đã vận động cán bộ, hội viên, cộng tác viên đóng góp 5.000 đồng/người/năm và thu được gần 130 triệu đồng để mua 13 con bò giống hỗ trợ cho các hộ nghèo đặc biệt khó khăn trong toàn huyện.

Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ huyện đã tiếp nhận 3 con bò giống trị giá 30 triệu đồng từ Dự án "Ngân hàng bò" của Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội trao tặng cho 3 hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tại các xã Ea Trang, Cư Mta và Krông Jing. Đến nay, tổng số bò giống từ dự án "Ngân hàng bò" trong toàn huyện đã tăng lên đáng kể, từ 1-2 con/năm; tổng đàn hiện đã tăng lên 25 con. Nhiều gia đình từ nghèo khó đã thoát nghèo và từng bước ổn định, phát triển kinh tế.

Điển hình như gia đình anh Triệu Sinh Tiến và chị Bàn Thị Huệ ở thôn 6, xã Cư San. Thuộc diện hộ nghèo, cần cù lao động nhưng do diện tích đất ruộng ít lại không có vốn đầu tư nên cuộc sống của gia đình anh chị rất khó khăn. Năm 2014, gia đình anh chị được Hội Chữ thập đỏ tạo cơ hội nhận bò về nuôi từ Dự án “Ngân hàng bò”. Sau hơn một năm nuôi và chăm sóc, bò mẹ đã sinh được một bê con, sau 6 tháng chăm sóc gia đình anh Tiến, chị Huệ đã bàn giao bê con cho Hội Chữ thập đỏ của xã. Con bò mẹ giờ đã thuộc quyền sở hữu của anh chị và đẻ thêm được một con bê và niềm vui được nhân lên khi gia đình chị Huệ sắp đón thêm một con bê thứ hai.

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Liên ở thôn 2, xã Cư Prao cũng có hoàn cảnh rất khó khăn. Chồng chẳng may mất sớm, một mình chị Liên vất vả nuôi hai con ăn học, với nguồn thu nhập chính từ 8 sào đất trồng hoa màu. Năm 2016, chị được Hội Chữ thập đỏ xã bình xét trao tặng một con bò giống. Sau khi bàn giao con bê đầu tiên cho Hội Chữ thập đỏ xã để giao cho hộ nghèo khác, đến nay chị đã có thêm một con bê hơn một năm tuổi. Kinh tế gia đình chị cũng từ đó vươn lên, con đường đến trường của các con chị cũng không còn bấp bênh do cuộc sống quá khó khăn.

Theo bà Lê Thị Tuấn, trong thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ huyện M'Đrắk sẽ tiếp tục duy trì và phát triển “Ngân hàng bò”, trao cơ hội cho thêm nhiều hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.