Multimedia Đọc Báo in

Hội Cựu chiến binh huyện Krông Búk:

Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi

08:29, 26/09/2018

Những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Krông Búk đã thực hiện hiệu quả việc ủy thác cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện, trở thành “cầu nối” đưa nguồn vốn vay ưu đãi giúp nhiều hội viên phát triển kinh tế hiệu quả.

Ông Nguyễn Tư Thế, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết, Hội hiện có 1.800 hội viên sinh hoạt ở 99 chi hội thuộc 10 hội cơ sở. Để quản lý và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác, đơn vị thường xuyên phối hợp với NHCSXH huyện chỉ đạo các cấp hội quản lý chặt chẽ số đối tượng vay vốn và mục đích sử dụng nguồn vốn vay; đồng thời định hướng cho hội viên đầu tư vào các lĩnh vực phù hợp với điều kiện của gia đình, địa phương. Đến nay, 100% Hội cơ sở thực hiện hoạt động ủy thác với NHCSXH với tổng dư nợ tính đến tháng 8-2018 đạt trên 34,6 tỷ đồng cho 997 hộ vay. Hằng tháng, hằng quý Hội đều tổ chức kiểm tra, đánh giá việc sử dụng vốn vay của hội viên, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc xảy ra.

Mô hình nuôi bò sinh sản của cựu chiến binh Ma Khắc Báo (buôn Ea Sin, xã Ea Sin, huyện Krông Búk).
Mô hình nuôi bò sinh sản của cựu chiến binh Ma Khắc Báo (buôn Ea Sin, xã Ea Sin, huyện Krông Búk).

Hầu hết hội viên vay vốn ủy thác đều tập trung đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất kinh doanh, từ đó vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Tiêu biểu có thể kể đến mô hình kinh tế của CCB Nguyễn Đình Quyền (ở thôn Ea My, xã Ea Sin). Ông Quyền chia sẻ, qua các buổi tập huấn khuyến nông, nhận thấy phát triển chăn nuôi kết hợp với trồng trọt đang là hướng đi được nhiều nông hộ áp dụng, đầu năm 2017 với số vốn 37 triệu đồng được vay từ chương trình vay vốn hộ nghèo của NHCSXH ông quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại rộng 25 m2 để nuôi 13 con dê giống.

Theo ông Quyền, dê là loại động vật có sức đề kháng cao, ít bị bệnh, thức ăn chủ yếu là các loại lá cây như keo, mít, bơ, cỏ… nên ít tốn kém lại tận dụng được thời gian nông nhàn. Sau lứa dê đầu tiên phát triển thuận lợi, ông tiếp tục nhân đàn đến hiện tại là 40 con. Trung bình một năm dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 2 - 3 con, dê con nuôi khoảng 5 - 6 tháng thì xuất chuồng cho trọng lượng 25 - 30kg/con. Với giá dê ổn định 80.000 - 90.000 đồng/kg, gia đình lãi gần 120 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông Quyền còn tận dụng nguồn phế phẩm từ nuôi dê ủ phân hữu cơ bón cho 6 sào cà phê xen canh hồ tiêu và bơ, sầu riêng. Hai năm nay, gia đình ông Quyền đỡ hẳn khoản chi phí mua phân bón cho cây trồng. Nhờ kết hợp nuôi trồng hiệu quả, gia đình ông Quyền tăng nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Quyền (thôn Ea My, xã Ea Sin) chăm sóc đàn dê được đầu tư phát triển từ vốn vay ủy thác.
Cựu chiến binh Nguyễn Đình Quyền (thôn Ea My, xã Ea Sin) chăm sóc đàn dê được đầu tư phát triển từ vốn vay ủy thác.

Không chỉ vươn lên phát triển kinh tế gia đình, từ nguồn vốn vay ưu đãi, phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo được các cấp Hội chú trọng. Điển hình là mô hình hỗ trợ bò giống cho hội viên CCB khó khăn của ông Ma Khắc Báo (ở buôn Ea Sin, xã Ea Sin). 9 năm trước, ông Báo được Hội CCB huyện tạo điều kiện cho vay 10 triệu đồng vốn ưu đãi và 2 con bò giống. Sau nhiều năm chăm sóc, hiện ông đã gây dựng đàn bò được 6 con, nuôi thêm heo và canh tác 1 ha cà phê, bình quân mỗi năm cho thu nhập gần 150 triệu đồng. Kinh tế ổn định, ông Báo có điều kiện giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Hằng năm, ông đều tư vấn, hỗ trợ một cặp bò giống cho một hộ hội viên CCB thuộc diện hộ nghèo tại địa phương. Với 4 cặp bò trị giá trên 80 triệu đồng, ông đã trao “cần câu” giúp 4 hội viên có động lực vươn lên thoát nghèo.

Để hội viên phát huy được hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác, Hội CCB huyện còn chủ động phối hợp mở các lớp khuyến nông giúp hội viên nâng cao năng lực, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Thông qua các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế đã giúp cho hội viên gắn bó với Hội và nhiệt tình hưởng ứng các phong trào ở địa phương. Tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, trong 3 năm qua hội viên CCB huyện đã đóng góp hàng nghìn ngày công xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, cứng hóa và nhựa hóa 27,2 km đường giao thông, xây dựng nguồn quỹ Hội giúp nhau ở cơ sở đạt gần 1,8 tỷ đồng.

Thời gian tới, Hội CCB huyện sẽ tiếp tục phát huy có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi; khai thác tất cả các chương trình, tập trung đầu tư cho hội viên nghèo, hộ khó khăn nhằm phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước giúp các hội viên vươn lên phát triển kinh tế.

Hội CCB huyện Krông Búk hiện đang quản lý 28 tổ tiết kiệm và vay vốn, bình quân dư nợ đạt 37,7 triệu đồng/hộ, không có nợ quá hạn tồn đọng. Toàn huyện có 7 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 1 tổ hợp tác, 96 trang trại và gia trại do hội viên CCB làm chủ, tạo việc làm cho 375 lao động. Số hộ CCB khá, giàu là 735 hộ (chiếm 43,5%), tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2 - 3%/năm…

 

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.