Multimedia Đọc Báo in

Làm giàu nhờ nuôi thỏ New Zealand

07:58, 28/09/2018

Mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, chị Nguyễn Thị Ngoan ở thôn 14 (xã Pơng Drang, huyện Krông Búk) là tấm gương phụ nữ điển hình vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế với mô hình nuôi thỏ sinh sản, mang lại hiệu quả cao.

Sau thời gian dài phát triển nhiều mô hình nuôi gà, heo, nhưng do giá cả bấp bênh lại dịch bệnh nhiều, chị Ngoan tạm dừng việc chăn nuôi. Qua tìm hiểu, chị Ngoan được biết, nuôi thỏ sinh sản cần ít vốn, dễ chăm sóc lại có giá trị kinh tế cao, nên năm 2013 tận dụng chuồng trại nuôi gà, chị mua 20 cặp thỏ giống New Zealand về nuôi thử nghiệm. Qua 3 tháng chăm sóc, lứa thỏ đầu tiên xuất chuồng khỏe mạnh giúp chị có động lực để nhân giống mở rộng đàn. Năm 2014, được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện hỗ trợ vay 50 triệu đồng, chị Ngoan quyết định đầu tư xây dựng khu chuồng trại kiên cố 150 m2 để nuôi thỏ.

Chị Nguyễn Thị Ngoan đang kiểm tra thỏ giống.
Chị Nguyễn Thị Ngoan đang kiểm tra thỏ giống.
 
“Giống thỏ New Zealand có nhiều ưu điểm: chất lượng thịt thơm ngon, thể trạng phù hợp với khí hậu địa phương, nguồn thức ăn dễ kiếm, chủ yếu là các loại cỏ, lá cây, cám gạo… Thời gian sinh trưởng của thỏ ngắn, nuôi 3 tháng trọng lượng đạt 2,5 - 3 kg là có thể xuất bán, khoảng 5 tháng bắt đầu sinh sản, bình quân mỗi năm một con thỏ sinh từ 6 - 8 lứa, mỗi lứa 6 - 10 con. Sau gần 2 tháng sinh, thỏ con đủ điều kiện bán để làm giống và thỏ mẹ có thể phối giống trở lại”.
 
Chị Nguyễn Thị Ngoan, thôn 14 (xã Pơng Drang, huyện Krông Búk)

Sau 4 năm gây dựng, hiện trang trại của chị có hơn 500 con thỏ, trong đó có 50 cặp thỏ sinh sản, trên 400 con thỏ giống và thỏ thương phẩm. Để ổn định đầu ra cho sản phẩm, chị Ngoan chủ động tìm nguồn cung ứng cho các nhà hàng, khách sạn tại địa phương và các địa bàn lân cận. Mỗi năm chị xuất bán 7 lứa thỏ giống và gần 6 tấn thỏ thương phẩm với giá dao động từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, đem về cho gia đình số lãi gần 300 triệu đồng.

Chia sẻ về quy trình nuôi thỏ, chị Ngoan cho biết, giống thỏ New Zealand dễ nuôi và ít bị bệnh, nhưng khi đã mắc bệnh thì chết rất nhanh, vì vậy cần chú ý quá trình sinh trưởng của thỏ để tiêm vắc-xin phòng các bệnh thường gặp như nấm, ghẻ, cầu trùng… Hệ thống chuồng nuôi khá đơn giản, làm bằng tre hoặc lưới sắt, chia ra nhiều dãy, mỗi dãy ngăn thành nhiều lồng, mỗi lồng nuôi có kích thước 60 x 80 cm, được trang bị một máng thức ăn tinh và vòi uống nước tự động đặt trên các trụ cách mặt đất khoảng 1m để thuận tiện cho việc thu dọn phân thải ra hằng ngày. Thỏ là loài chịu lạnh rất kém, do đó chuồng trại phải được thiết kế bảo đảm thoáng mát về mùa hè và kín ấm vào mùa đông. Theo chị Ngoan, thỏ con sau sinh từ 20 - 25 ngày sẽ được tách mẹ, đó là thời điểm thỏ con dễ mắc bệnh đường ruột nên phải chăm sóc tỉ mỉ, chú ý nguồn thức ăn sạch sẽ và đủ liều lượng để thỏ sinh trưởng và phát triển tốt.

Giờ đây, mô hình nuôi thỏ của chị Ngoan đã trở thành địa chỉ tin cậy để phụ nữ trong xã và nhiều địa phương khác đến tham quan, học hỏi. Chị Ngoan sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ con giống cho nhiều gia đình khó khăn tại địa phương phát triển kinh tế.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.