Sau 5 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp: Những bước chuyển mình tích cực của nông nghiệp Ea Kar
Sau 5 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, diện mạo nông nghiệp nông thôn ở Ea Kar từng bước đổi thay.
Theo UBND huyện Ea Kar, trong giai đoạn 2013 - 2017 tốc độ tăng trưởng bình quân ngành Nông nghiệp đạt 6%/năm. Riêng năm 2017, tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt gần 4.535 tỷ đồng, chiếm 59,7% tổng giá trị sản xuất của toàn huyện.
Về lĩnh vực trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện năm 2017 đạt gần 68.764 ha, tổng sản lượng lương thực đạt 143.288 tấn. Cơ cấu cây trồng phát triển đa dạng với các cây trồng chủ lực là cà phê, hồ tiêu, điều, cao su, lúa nước, ngô, đậu, mía… Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha đất trồng là 101,3 triệu đồng, tăng 18,9 triệu đồng so với năm 2013.
Tương tự, lĩnh vực chăn nuôi cũng phát triển mạnh khi tổng đàn gia súc gia cầm tăng mạnh, đạt hơn 1,76 triệu con (hơn 5,5 ngàn con trâu, 22,9 ngàn con bò, gần 93,8 ngàn con heo, hơn 1,6 triệu con gia cầm). Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt gần 33,9 ngàn tấn, tăng 11,6 ngàn tấn so với năm 2013. Nghề nuôi thủy sản cũng phát triển với tổng diện tích nuôi trồng là 1.453 ha (tăng 55 ha so với năm 2013), tổng sản lượng thủy sản đạt 4.121 tấn (tăng 396 tấn). Hiện tại, 14 cơ sở sản xuất và ương cá giống cơ bản bảo đảm đủ nhu cầu về con giống cho các hộ nuôi trên địa bàn…
Trên 99% người dân huyện Ea Kar thu hoạch lúa bằng máy gặt. |
Bên cạnh đó, địa phương còn đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) cho cây cam, quýt ở Cư Elang, gà thịt ở xã Ea Sar; phát triển chăn nuôi khép kín theo hướng hàng hóa; sử dụng máng ăn, uống tự động; xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ khí sinh học (biogas), đệm lót sinh học… Đặc biệt, quá trình phát triển và dịch chuyển cơ cấu cây, con đã hình thành các vùng chuyển canh sản xuất nông sản riêng biệt như sản xuất lúa giống ở xã Cư Ni, lúa thịt ở Cư Ni, Ea Ô, Ea Kmút; xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh ở xã Xuân Phú… Song song với đó, người dân cũng mạnh dạn đầu tư các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy gặt đập liên hợp, máy sấy, máy phun thuốc, máy cày, máy kéo… Ước tính, người dân địa phương hiện đang sở hữu khoảng 13.640 máy móc các loại.
Tận dụng các lợi thế sẵn có từ nguồn nhân lực, thiết bị, máy móc sẵn có sau 5 năm tái cơ cấu, Ea Kar phấn đấu đến năm 2020 tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi lên 35,9%, ngành trồng trọt 54,5%, ngành dịch vụ 6%; phát triển thủy lợi đảm bảo chủ động nước tưới cho 82% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới; đưa giá trị tăng thêm bình quân đầu người đạt 50,3 triệu đồng/người/năm, tăng 1,86 lần so với năm 2015…
Sản xuất lúa giống ở xã Cư Ni, huyện Ea Kar. |
Ông Hồ Tấn Cư, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho hay, để đạt được mục tiêu trên, huyện đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Cụ thể là đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng gắn với thị trường theo chuỗi để nâng cao giá trị gia tăng trong lĩnh vực trồng trọt; chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi theo hướng tăng tỷ trọng các vật nuôi có lợi thế, có giá trị kinh tế cao theo hướng liên kết theo chuỗi từ cung cấp con giống đến thức ăn, chế biến thành sản phẩm hàng hóa; phát triển thủy sản theo các vùng nuôi thâm canh tập trung nhằm mở rộng sản xuất, đồng thời duy trì các loại cá truyền thống như cá trắm, cá chép, cá mè, rô phi, diêu hồng…
Tổng nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Ea Kar giai đoạn 2013 - 2017 và ước thực hiện năm 2018 là hơn 5.372,9 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn ngân sách Nhà nước là hơn 1.158 tỷ đồng, vốn tín dụng hơn 3.431 tỷ đồng, nguồn khác gần 783,6 tỷ đồng. |
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc