Thực hiện phân cấp quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm: Còn nhiều bất cập
Nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm từ cơ sở, Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ (Thông tư 51). Tuy nhiên, việc thực thi Thông tư này tại Đắk Lắk đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Thông tư 51, các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ là những nơi thực hiện một số hoặc tất cả các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác nông lâm thủy sản, cung cấp sản phẩm ra thị trường mà không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đầu tư (trừ cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại, thực hành nông nghiệp tốt -VietGAP, tàu cá có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên).
Các cơ sở trồng trọt; chăn nuôi; nuôi trồng thủy sản; thu hái, đánh bắt, khai thác nông lâm thủy sản nhỏ lẻ phải bảo đảm các yêu cầu cơ bản về địa điểm sản xuất, nguồn gốc giống, nguồn cung vật tư đầu vào, vấn đề sử dụng hóa chất trong sản xuất, bảo quản… để thực phẩm làm ra bảo đảm an toàn vệ sinh cũng như bảo vệ môi trường. Phương thức quản lý các cơ sở này được thực hiện thông qua việc tổ chức ký cam kết, kiểm tra và xử lý các cơ sở vi phạm cam kết. Cơ sở vi phạm cam kết lần đầu sẽ bị nhắc nhở, vi phạm lần thứ hai thì công khai việc cơ sở không thực hiện cam kết sản xuất thực phẩm an toàn. Theo sự phân cấp này, UBND các huyện, thị xã, thành phố và cấp thấp hơn là xã, phường sẽ đứng ra thực hiện Thông tư này.
Cán bộ khuyến nông xã Ea Bung, huyện Ea Súp tham quan mô hình đa canh cây ăn quả trên địa bàn. |
Bản thân các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ chủ yếu là do người dân địa phương làm chủ, sản phẩm làm ra đa phần bán cho người tiêu dùng trên địa bàn. Do đó, biện pháp “công khai cơ sở vi phạm cam kết” tuy nhẹ, nhưng khả năng thực thi cao và mang tính răn đe lớn, bởi tâm lý của người tiêu dùng là “chọn mặt gửi vàng”, chỉ mua nông sản ở những địa chỉ đáng tin cậy. Nghe có vẻ hợp lý, nhưng thực tế triển khai tại các địa phương hiện nay rất khó khăn bởi đơn vị trực tiếp đứng ra thực hiện trọng trách này thiếu đủ thứ từ kinh phí đến phương tiện, nhân lực…
Sở NN-PTNT cho biết, từ đầu năm đến nay có 19.325 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh ký cam kết sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm theo Thông tư 51. |
Chẳng hạn tại huyện Ea Súp, theo ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng phòng NN-PTNT huyện, công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm tại cơ sở khó khăn từ khâu sản xuất, bởi 85% dân số sống dựa vào sản xuất nông nghiệp nên số lượng cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ rất lớn. Trong khi đó, địa bàn rộng, nguồn nhân lực lại thiếu, phải kiêm nhiệm, kinh phí hỗ trợ gần như không có nên ngay cả việc thống kê cơ sở đã khó chứ chưa nói đến ký cam kết hay tổ chức thanh, kiểm tra việc thực hiện cam kết tại các cơ sở. Chưa hết, những năm gần đây ngành Nông nghiệp chịu tác động rất lớn của biến đổi khí hậu, nếu không có sự can thiệp nhất định thì dịch bệnh tấn công, cây trồng phát triển chệch hướng, không có thu. Trong khi đó, trình độ dân trí người dân còn hạn chế, đa phần người sản xuất vẫn canh tác theo tập quán cũ, thấy sâu, bệnh là phun thuốc chứ chưa chú trọng đến việc sản xuất an toàn. Còn việc tuyên truyền, vận động sản xuất nông nghiệp an toàn lại không có kinh phí nên mạnh ai nấy làm, rất rời rạc và lúng túng dẫn đến hiệu quả thấp.
Sản xuất thanh long quy mô nông hộ ở xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột. |
Tương tự, TP. Buôn Ma Thuột hiện tại là địa bàn có đông dân cư sinh sống (đồng nghĩa là số lượng người tiêu dùng lớn), số lượng cơ sở sản xuất nhỏ lẻ cũng không ít, việc siết chặt quản lý từ cơ sở hiện rất khó thực hiện.
Ông Lưu Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột phân tích, vì đụng đâu thiếu đó nên thành phố chuyển hướng quản lý sang đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, ban hành trên 10 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp trực thuộc hướng dẫn người dân cách nhận diện và lựa chọn thực phẩm an toàn; nâng cao nhận thức, trách nhiệm người sản xuất thông qua các mô hình liên kết sản xuất… Tuy nhiên, nguồn kinh phí hạn chế nên một bộ phận người sản xuất vẫn chưa tiếp cận được các chương trình liên kết theo chuỗi. Thời gian tới, thành phố sẽ gắn kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ ban đầu với nhau nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất thông qua việc xây dựng vùng sản xuất an toàn, vận động các trường học liên kết với các cơ sở đó để giải quyết đầu ra cho nông hộ.
Trên lý thuyết, Thông tư 51 đánh trúng điểm yếu của công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trong ngành Nông nghiệp – tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ rất phổ biến - nhưng lại không có sự đầu tư nhân lực, kinh phí, phương tiện tương xứng để thực hiện khiến các địa phương lúng túng khi triển khai. Đây là sự bất cập lớn nhất cần phải khắc phục để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người dân và môi trường sống.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc