Multimedia Đọc Báo in

Tín hiệu vui từ mô hình dệt thổ cẩm ở xã Cư Né

09:39, 02/09/2018

Ngoài tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên, Tổ dệt thổ cẩm truyền thống buôn Mùi 1, 2 (xã Cư Né, huyện Krông Búk) còn góp phần duy trì và bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của người Êđê.

Bà H’Chăn Ayun (buôn Mùi 2) được xem là thành viên lớn tuổi nhất trong tổ. Năm nay đã 73 tuổi nhưng hàng ngày bà vẫn miệt mài ngồi bên khung cửi. Cũng như bao người con gái Êđê khác, năm 18 tuổi bà đã tự tay dệt được bộ quần áo cho riêng mình cũng như các vật dụng khác để tặng cho người thân và họ hàng.

Khi cuộc sống buôn làng có nhiều đổi thay, người dân không còn ưa chuộng những bộ trang phục truyền thống khiến bà không còn “mặn mà” với nghề dệt, khung cửi cũng được xếp gọn vào một góc và chỉ mang ra mỗi khi cần. Nhưng từ khi tham gia vào tổ dệt, bà H’Chăn dệt thường xuyên hơn, ngoài những đơn đặt hàng do tổ nhận, mỗi tháng bà dệt được thêm từ 4-5 sản phẩm để bán cho người dân trong vùng. Bà rất vui vì vừa có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống, vừa gìn giữ được nghề truyền thống, truyền dạy nghề dệt cho con cháu.

Các thành viên trong tổ dệt trao đổi kinh nghiệm.
Các thành viên trong tổ dệt trao đổi kinh nghiệm.

 

Tổ dệt thổ cẩm truyền thống buôn Mùi 1, 2 là một trong những tập thể có thành tích tiêu biểu trong bảo tồn, phát huy nghề truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số được khen thưởng tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2013-2018 do Hội LHPN huyện Krông Búk tổ chức vừa qua.

Chị H’Mel Ayun, một thành viên của tổ dệt buôn Mùi 2 cũng tranh thủ thời gian hằng ngày dệt các sản phẩm thổ cẩm để kịp giao cho khách đặt mua. Hiện chị H’Mel và các thành viên trong tổ đang khẩn trương dệt để hoàn thành đơn hàng giao cho một trường học trên địa bàn trước dịp khai giảng. Chị H’Mel chỉ mới biết dệt thổ cẩm cách đây hơn một năm, khi đã ngoài 40 tuổi. Được sự giúp đỡ của các thành viên trong tổ, đến nay chị đã tự tay dệt nên những bộ quần áo và vật dụng sinh hoạt như địu, khăn trải bàn, túi xách… và tự tin nhận dệt theo yêu cầu của khách. “Ban ngày, tôi vẫn đi làm  rẫy, còn dệt thì chỉ tranh thủ vào buổi tối hay những lúc nhàn rỗi nhưng lại có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống gia đình, vừa giữ được nghề của dân tộc mình”, chị H’Mel cho biết.

Các thành viên trong tổ dệt thổ cẩm thành thạo các công đoạn dệt.
Các thành viên trong tổ dệt thổ cẩm thành thạo các công đoạn dệt.

Buôn Mùi 1 và buôn Mùi 2 được biết đến là nơi có truyền thống dệt thổ cẩm lâu đời của xã Cư Né. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, số lượng người biết dệt và khung cửi trong buôn ngày một ít đi. Với mong muốn khôi phục, phát triển nghề truyền thống của địa phương, đồng thời giải quyết việc làm cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số, Hội LHPN huyện Krông Búk phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức lớp học dệt thổ cẩm cho chị em.

Đến tháng 8-2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ  (LHPN) xã Cư Né thành lập “Tổ dệt thổ cẩm truyền thống buôn Mùi 1, 2” với 20 thành viên đã tham gia lớp học. Khi có đơn đặt hàng, tổ sẽ đứng ra ký hợp đồng và khoán lại cho các thành viên. Tham gia vào tổ, các chị em cũng sẽ được hỗ trợ để nâng cao tay nghề, giới thiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm. Sau 1 năm triển khai mô hình, các thành viên đều duy trì dệt thường xuyên, tạo ra những sản phẩm bảo đảm chất lượng được nhiều khách hàng trong, ngoài xã biết đến và đặt hàng, giúp chị em có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Từ những hiệu quả mà mô hình mang lại, ngày càng có nhiều hội viên phụ nữ mong muốn được học dệt và xin gia nhập vào tổ.

Chị Hoàng Thị Niệm, Tổ trưởng tổ dệt cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động các chị em tham gia vào tổ để mở rộng mô hình, đồng thời liên hệ với các địa phương khác để quảng bá sản phẩm, cập nhật các mẫu mới, nắm bắt thị hiếu của khách hàng để làm ra những tấm vải thổ cẩm đẹp, dễ bán giúp chị em duy trì nghề và có thêm thu nhập”.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.