Trồng cây dược liệu: Hướng đi mới hiệu quả
Những năm gần đây, phong trào trồng cây dược liệu phát triển khá mạnh trên địa bàn tỉnh, bước đầu chứng tỏ khả năng thích nghi và hiệu quả kinh tế cao của loại cây trồng này.
Vài năm nay, một số hộ dân đã đưa vào trồng thử nghiệm cây hà thủ ô đỏ và bước đầu cho thấy hiệu quả cao. Đơn cử như bà H’ A Niê (buôn Niêng 1, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn), năm 2016 đã chuyển hơn 2 ha đất trồng sắn, ngô sang trồng dược liệu hà thủ ô. Bà cho biết, sau 2 năm trồng, vườn cây hiện đã cho thu hoạch, năng suất đạt 2,6 tấn/ha, với giá bán 120 triệu đồng/tấn đã được doanh nghiệp hợp đồng thu mua, thu nhập đạt khoảng 200 triệu đồng/ha, cao hơn rất nhiều so với các loại cây trồng trước đây. Còn ông Nguyễn Xuân Bắc (thôn Tam Bình, xã Cư Klông, huyện Krông Năng) thì trồng xen hà thủ ô trong 2 ha cà phê, sầu riêng, năng suất cũng đạt gần 1,6 tấn ha.
Nông dân xã Ea Kuăng, huyện Krông Pắc thu hoạch nghệ vàng. |
Theo kết quả thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong trồng trọt hà thủ ô đỏ tại vùng đồng bào dân tộc tỉnh Đắk Lắk” từ năm 2016 đến nay cho thấy, loại cây này sinh trưởng và phát triển tốt tại nhiều khu vực, năng suất bình quân đạt 2,5 tấn/ha, bên cạnh đó điều kiện đất đai, khí hậu, tại địa phương cũng có thể sản xuất giống cây này với số lượng lớn. Cụ thể, Công ty Cổ phần Nicotex đã thu thập 50.000 cây hà thủ ô từ Viện Dược liệu Trung ương về lưu giữ bảo tồn nguồn gen và nhân giống bằng phương pháp dâm hom. Nhận thấy triển vọng từ cây dược liệu này, đơn vị sẽ liên kết với người dân trồng 20 ha tại huyện Krông Năng và liên kết với Viện Dược liệu Trung ương tiêu để thụ sản phẩm.
Gần đây, nhiều loại cây dược liệu khác cũng được người dân đưa vào trồng với diện tích lớn như: đinh lăng, hòe, gừng, đương quy, hoài sơn… để cung cấp làm nguyên liệu sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng. Thực tế cho thấy, thu nhập từ dược liệu có thể đạt đến 500 triệu đồng/ha, nhanh thu hoạch và ít rủi ro hơn một số cây trồng khác, đặc biệt, có thể trồng xen hiệu quả trong vườn cà phê, tiêu và cây ăn quả. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng đầu tư, liên kết trồng dược liệu. Cụ thể, tại huyện Cư M’gar, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm trồng 20 ha đinh lăng, hòe, ý dĩ làm nguyên liệu xuất đi TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, một doanh nghiệp khác tại Hà Nội liên kết với người dân trồng 250 ha dược liệu các loại. Tại huyện Ea Súp, Công ty Cổ phần đầu tư Long Thành đang triển khai dự án trồng khoảng 200 ha dược liệu (ngưu tất, đẳng sâm, ích mẫu, đinh lăng, đương quy Nhật Bản) làm nguyên liệu dược phẩm và xuất khẩu. Tại huyện Cư Kuin, Công ty Cổ phần đầu tư Kiến Tây đầu tư trang trại trồng dược liệu với diện tích 25 ha…
Cây hà thủ ô trồng khảo nghiệm ở xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn đạt năng suất, chất lượng cao. |
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT), toàn tỉnh có hơn 5.000 ha cây dược liệu các loại, tập trung nhiều nhất ở các huyện Krông Pắc, Ea Kar, Cư M’gar, Buôn Đôn, Krông Năng... Do vùng trồng chưa ổn định, nên ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích cây dược liệu, đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp trồng dược liệu theo quy trình bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng và liên kết tiêu thụ sản phẩm một cách lâu dài nhằm tránh thiệt hại.
Các sản phẩm dược liệu trên địa bàn tỉnh đa phần chủ yếu bán ở dạng thô làm nguyên liệu cho các hãng tân dược, phần còn lại được phơi sấy, sơ chế tiêu thụ tại chỗ. Gần đây, một số doanh nghiệp đang khảo sát, nghiên cứu đầu tư nhà máy chế biến dược liệu tại tỉnh, trong đó, một đơn vị đã được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư tại Cụm công nghiệp Cư Kuin, tổng vốn đầu tư hơn 50 tỷ đồng. |
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc