Multimedia Đọc Báo in

Đắt khách nghề sửa chữa máy nông nghiệp

15:12, 12/10/2018

Hiện nay hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nhờ đó nghề dịch vụ sửa chữa máy nông nghiệp trở nên đắt khách. Tận dụng cơ hội này, nhiều thanh niên đã chọn cho mình con đường học nghề phù hợp, mang lại thu nhập ổn định.

Xưởng cơ khí chuyên sửa chữa máy móc nông nghiệp của anh Y Đen Ayun (buôn Ktơng Drun, xã Cư Né, huyện Krông Búk) được biết đến là một trong những cơ sở sửa chữa lớn ở xã. Anh Y Đen cho biết, anh đã có gần 10 năm học theo nghề này, trước đây làm tại nhà ở trong buôn, dù xa nhưng vẫn được bà con tin tưởng. Gần đây do đường sá xuống cấp khó đi lại nên anh quyết định chuyển cơ sở sản xuất ra khu vực trung tâm, gần đường quốc lộ để hoạt động thuận tiện hơn. Cơ sở mới rộng 160 m², được đầu tư trang thiết bị khá đồng bộ, từ khi cửa hàng chưa khai trương đã có người đến đặt cọc sửa chữa. Sở dĩ nơi này đắt khách như vậy một phần là vì những năm gần đây, bà con đã thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nên các loại máy móc cần sửa chữa, bảo dưỡng tăng lên; một phần là do anh có kinh nghiệm nhiều năm làm việc, có thể sửa chữa được hầu hết các loại máy móc, mà giá cả cũng hợp lý.

Anh Y Đen Ayun (bên trái) cùng học trò của mình sửa chữa máy nông nghiệp.
Anh Y Đen Ayun (bên trái) cùng học trò của mình sửa chữa máy nông nghiệp.

Công việc này không chỉ mang lại thu nhập đáng kể cho bản thân, mà anh Y Đen còn tạo điều kiện dạy nghề cho những bạn trẻ có nhu cầu. Những lúc cao điểm, nhiều máy móc cần sửa chữa, anh nhận từ 5-7 học viên, còn thông thường là từ 2-3 học viên. Mỗi học viên học nghề được anh hỗ trợ từ 3-5 triệu đồng/tháng, nuôi ăn trưa. Sau khi ra nghề, các bạn có thể ở lại làm tại cơ sở, hoặc tìm một địa điểm thích hợp để mở tiệm, làm công…

Không chỉ anh Y Đen mà nhiều lao động nông thôn cũng chọn học nghề sửa chữa máy nổ. Nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề sửa chữa máy nổ tăng cao của các học viên là thanh niên nông thôn, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Krông Bông (Trung tâm dạy nghề) đã mở 2 lớp dạy nghề này với tổng số 70 học viên. Học viên được hỗ trợ tiền ăn trưa; được học các kỹ thuật sửa chữa máy móc nông nghiệp từ cơ bản đến chuyên sâu như hướng dẫn quy trình bảo dưỡng, vận hành máy, kỹ thuật tháo, lắp và sửa chữa hư hỏng thông thường trong quá trình vận hành các loại máy cày, máy làm đất đa năng, máy gặt đập liên hoàn và một số loại máy móc khác phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

 
“Dạy, học và phát triển nghề sửa chữa máy nông nghiệp đang là một xu hướng phù hợp và thiết thực với nhu cầu của người lao động, nhất là với thanh niên trên địa bàn tỉnh, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về việc học nghề và công tác dạy nghề”.
 
Thầy Phạm Viết Văn, Giảng viên bộ môn Máy nông nghiệp – Trung tâm dạy nghề huyện Krông Bông

Thầy Phạm Viết Văn (Giảng viên bộ môn Máy nông nghiệp – Trung tâm dạy nghề) cho biết: “Đa số nông dân khi mua máy móc về sử dụng thì chỉ được các đại lý bán máy hướng dẫn sơ qua việc vận hành nên quá trình sử dụng không tránh khỏi những thao tác sai dẫn đến hỏng hóc hoặc làm cho máy nhanh xuống cấp. Vì vậy, nhiều thanh niên chọn học nghề sửa chữa máy nông nghiệp để có thêm kiến thức sử dụng tại gia đình. Với những bạn có năng khiếu, đam mê có thể mở tiệm, đi làm nghề để tăng thêm thu nhập cho bản thân”. Chính vì lợi ích thiết thực đó mà những giờ học của thầy trò lớp sửa chữa máy nổ lúc nào cũng đông đủ và đầy say mê.

Anh Y Dhanh Byă (buôn Băng Kung, xã Ea Trul, huyện Krông Bông) tâm sự: “Tôi đi học trước hết là biết cái nghề, sau là biết cách vận hành và bảo dưỡng để tăng độ bền của máy móc. Vì vào mùa mưa, đi ra rẫy, xe máy cày rồi máy móc khác thường xuyên bị hỏng. Gọi thợ sửa thì lâu vì họ bận mà đường sá cũng khó đi, nhiều khi cả tháng không sửa được máy. Nay đi học, những lỗi nhỏ tôi có thể tự sửa được; vừa tiết kiệm chi phí, vừa đỡ phải chờ đợi lâu. Thỉnh thoảng tôi còn sửa chữa giúp bà con trong buôn nữa!”.

Lớp học nghề sửa chữa máy nổ tại xã Ea Trul (huyện Krông Bông) thu hút đông đảo học viên.
Lớp học nghề sửa chữa máy nổ tại xã Ea Trul (huyện Krông Bông) thu hút đông đảo học viên.

Như vậy, việc chọn học nghề sửa chữa máy nông nghiệp hiện đang được nhiều thanh niên nông thôn quan tâm và đã mang lại lợi ích thiết thực, người học có thể tự ứng dụng  kiến thức được học vào cuộc sống hàng ngày, nâng cao hiệu quả lao động, thúc đẩy sản xuất theo hướng hiện đại hóa và tự tạo việc làm cho bản thân, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Mai Sao

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Đắk Lắk - Mảnh đất níu chân người
Với những kiến tạo địa chất phức tạp, trải qua hàng triệu năm phong hóa, mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho cao nguyên Đắk Lắk một hệ sinh thái đa dạng, phong phú với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, xinh đẹp, vùng đất trù phú, là quê hương, nơi định cư lâu đời của nhiều dân tộc bản địa và hiện tại cũng là miền “đất hứa” với rất nhiều người…