Multimedia Đọc Báo in

Dự án VnSAT chậm tiến độ: Nhiều vướng mắc cần sớm được tháo gỡ

08:35, 02/10/2018

Được triển khai trong bối cảnh ngành cà phê gặp nhiều khó khăn từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nên Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) được kỳ vọng rất nhiều. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án chậm đang đe dọa trực tiếp đến mục tiêu đề ra.

Theo kế hoạch, mục tiêu của Dự án VnSAT là đưa lợi nhuận tăng thêm khoảng 15 triệu đồng/ha so với vườn cà phê không áp dụng canh tác bền vững hoặc không tái canh. Tổng giá trị tăng thêm cho toàn vùng sản xuất cà phê khoảng 48-50 triệu USD/năm (242-250 triệu USD cho 5 năm) và lợi nhuận này sẽ kéo dài trong suốt chu kỳ kinh doanh cà phê (20-25 năm). Việc nâng cao lợi nhuận cho các nông hộ được thực hiện thông qua việc hỗ trợ kiến thức tái canh cà phê bền vững; sản xuất cà phê bền vững; lắp đặt các mô hình tưới tiết kiệm nước; hỗ trợ kinh phí mua sắm máy móc, xây dựng nhà kho…

Nông dân các tỉnh Tây Nguyên tham quan mô hình cà phê kinh doanh tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên.  Ảnh: T. Hường
Nông dân các tỉnh Tây Nguyên tham quan mô hình cà phê kinh doanh tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên. 

Tuy nhiên tính đến nay, thời gian thực hiện Dự án đã đi được hơn 2/3 chặng đường, nhưng tiến độ thực hiện quá chậm so với kế hoạch, đặc biệt là nội dung hỗ trợ các tổ chức nông dân máy móc, xây dựng công trình cơ sở hạ tầng... theo đề xuất của các đơn vị. Theo kế hoạch, trong năm 2018, 5 tỉnh Tây Nguyên sẽ có 19 tổ chức nông dân được hỗ trợ đầu tư khoảng 144 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp 127 tỷ đồng, hàng hóa thiết bị 16,7 tỷ đồng. Hiện đã có 12/19 tiểu dự án được các tỉnh phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật; 10/19 dự án được Ban quản lý dự án thông qua kế hoạch lựa chọn nhà thầu; 10/19 dự án được tỉnh thông qua kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Riêng Đắk Lắk, theo kế hoạch có 5 tổ chức nông dân được lựa chọn đầu tư, nhưng mới chỉ có 4 dự án được Ban quản lý dự án thông qua vì nhiều lý do như thiếu kinh phí đối ứng, vướng công tác giải phóng mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng...

Đơn cử như Hợp tác xã (HTX) sản xuất Nông nghiệp, Thương mại, Dịch vụ Minh Toàn Lợi (Krông Năng) kiến nghị và được Dự án đồng thuận hỗ trợ hơn 6,8 tỷ đồng để nâng cấp đường vào khu sản xuất của HTX, đường vào xưởng chế biến cà phê; xây dựng nhà kho, sân phơi sơ chế, bảo quản cà phê, mua 2 máy sấy, 1 máy sàng, 1 băng tải chuyền, 1 máy chế biến ướt, 1 máy cày, máy đào… Thời gian thực hiện trong năm 2018, nhưng đến nay, khi mùa thu hoạch cà phê đang cận kề mà HTX vẫn đang gặp khó khăn trong việc vận động người dân hiến đất để xây dựng công trình. Tình trạng này cũng đang diễn ra tương tự ở các HTX còn lại. Sở dĩ, có “rào cản” này là do các tuyến đường đi vào HTX ngang qua đất của các nông hộ trong và ngoài HTX nên để nâng cấp đường cần phải mở rộng và có sự đồng thuận hiến đất làm đường của các nông hộ. Trong khi đó, một số nông hộ đang thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn sản xuất. Do đó, khi nông hộ đồng thuận hiến đất tất yếu phải có sự điều chỉnh diện tích trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các nông hộ để bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của người hiến đất cũng như hợp thức hóa tuyến đường sau khi Dự án kết thúc.

Sản phẩm cà phê chế biến sâu của Hợp tác xã Nông nghiệp, Thương mại, Dịch vụ Minh Toàn Lợi (Krông Năng) tham gia một hội chợ nông sản trên địa bàn.
Sản phẩm cà phê chế biến sâu của Hợp tác xã Nông nghiệp, Thương mại, Dịch vụ Minh Toàn Lợi (Krông Năng) tham gia một hội chợ nông sản trên địa bàn.

Riêng đất đề xuất xây dựng sân phơi, nhà kho của các tổ chức nông dân đa phần là đất nông nghiệp nên việc chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp theo quy định cũng mất rất nhiều thời gian. Chưa hết, theo yêu cầu của Dự án thì nông dân phải có kinh phí đối ứng theo tỷ lệ nhất định đối với từng hạng mục công trình. Cụ thể là đối ứng 20% (Dự án hỗ trợ 80%) đối với các hạng mục xây lắp; đối ứng 50% (Dự án hỗ trợ 50%) đối với hạng mục mua sắm thiết bị. Trong khi đó, việc huy động vốn đóng góp lại gặp rất nhiều khó khăn bởi số lượng vốn huy động một lúc quá lớn, vượt quá khả năng của các thành viên. Đặc biệt, hạng mục đường giao thông ngoài việc đòi hỏi các thành viên HTX góp vốn đối ứng thì Dự án còn đòi hỏi các nông hộ ngoài HTX hưởng lợi từ công trình đó cũng phải đóng góp vốn để làm công trình. Đây là việc làm rất khó, vượt quá khả năng của các tổ chức nông dân và cần có sự hỗ trợ nhất định của chính quyền địa phương.

Dự án VnSAT (2015 - 2020) hỗ trợ tối đa 400 nghìn USD cho một tổ chức nông dân thông qua các hạng mục đầu tư quan trọng từ đường, điện, nhà kho… đến mua sắm máy móc, thiết bị chế biến cà phê, cơ bản sẽ giải quyết những khó khăn, bất cập của các tổ chức nông dân đang gặp phải. Người dân hiện rất mong chờ nhận được sự hỗ trợ to lớn này để tiết giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm khi mùa thu hoạch mới đang cận kề. 

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.