Khởi nghiệp bằng mô hình nuôi dê nhốt chuồng
Từng là kỹ sư điện tử viễn thông nhưng anh Y Knap (SN 1989, trú tại buôn Ea M’droh, xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar) đã bỏ việc ở thành phố về buôn làng phát triển mô hình nuôi dê nhốt chuồng.
Y Knap sinh ra và lớn lên trong một gia đình M’nông đông anh em tại huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông). Sau khi tốt nghiệp Đại học ngành Công nghệ Điện tử Viễn thông, Y Knap đã làm việc ở TP. Hồ Chí Minh 3 năm. Đến khi lập gia đình, anh quyết định theo vợ về huyện Cư M’gar sinh sống.
Thời gian đầu về vùng quê mới, để vơi đi nỗi nhớ về nhịp sống đô thị, lúc nông nhàn Y Knap thử nuôi dê nhốt chuồng. Nhìn những chú dê được chăm sóc lớn nhanh khỏe mạnh, Y Knap tính đến chuyện phát triển đàn dê hiệu quả bằng cách nuôi nhốt chuồng mà vẫn có thời gian đi làm rẫy. Nghĩ là làm, Y Knap lên các trang mạng tham khảo các gương khởi nghiệp từ nuôi dê, đồng thời dành thời gian tìm hiểu, đi tham quan các mô hình nuôi dê hiệu quả trên địa bàn tỉnh và chịu khó học hỏi tỉ mỉ từ kỹ thuật xây dựng chuồng trại đến cách phòng tránh một số bệnh thường gặp ở dê…
Y Knap cho biết: "Khi thực hiện kế hoạch phát triển đàn dê, mình băn khoăn nhất là tìm nguồn vốn, may mà được gia đình vợ ủng hộ ý tưởng và giúp vay thế chấp ngân hàng vốn phát triển chăn nuôi với số tiền 46 triệu đồng trong vòng 5 năm. Nhờ vậy mình có thêm động lực cố gắng theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp ngay tại buôn làng bằng mô hình nuôi dê nhốt chuồng".
Anh Y Knap theo dõi sức khỏe của dê con. |
Tháng 10 - 2016, anh Y Knap mua 16 con dê giống về nuôi (trong đó 15 con dê mẹ Bách Thảo và 1 con dê Boer). Anh chịu khó chăm sóc đúng kỹ thuật nên dê sinh trưởng tốt, chẳng bao lâu đã tăng đàn lên gấp ba ban đầu. Chỉ trong vòng 2 năm, từ việc xuất dê thịt, Y Knap đã có lãi và trả được số vốn vay ngân hàng. Anh Y Knap chia sẻ: Thuận lợi của việc nuôi dê là tốn ít vốn đầu tư, quay vòng nhanh, có thể tận dụng được thời gian lao động nông nhàn, đặc biệt là giá bán khá cao so với các loại vật nuôi khác. Dê giống từ 2 - 3 tháng tuổi, cân nặng trên 25 kg là có thể xuất chuồng với giá dao động từ 85 - 90 nghìn đồng/kg đối với dê Boer, còn dê Bách Thảo có giá từ 90 - 100 nghìn đồng/kg.
Ngoài am hiểu đặc tính của bầy dê, theo anh Y Knap trong quá trình chăn nuôi việc giữ vệ sinh chuồng trại rất quan trọng. Để tăng sức đề kháng và phòng tránh dịch bệnh phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, xử lý phân dê đúng cách. Đặc biệt, để bầy dê nhanh sinh sản và phát triển tốt người nuôi cần chú ý không được dùng dê giống cận huyết, luôn ghi chép kỹ lưỡng quá trình phối giống để theo dõi. Dê là loài động vật ăn tạp, thức ăn ưa thích của chúng là cây keo, mỗi ngày chúng ăn 3 lần vào buổi sáng, trưa, chiều.
Nhận thấy việc chăn nuôi gia súc số lượng lớn trong khu dân cư ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh, mới đây Y Knap đã chủ động dời chuồng trại lên rẫy cách nhà hơn 1 km. Y Knap cho biết thêm, lợi thế lớn nhất khi nuôi dê trên rẫy là chủ động được nguồn thức ăn và hạn chế được dịch bệnh lây chéo trong gia súc. Nếu như trước đây anh phải chạy ngược chạy xuôi lái xe công nông đi xin cành keo trong rẫy của bà con thì nay việc đó không còn khó khăn vì cây keo có sẵn trong rẫy, ngoài ra còn tận dụng đất trống trồng thêm cỏ voi.
Anh Y Kap cùng vợ chế biến thức ăn cho đàn dê. |
Ngoài mô hình nuôi dê nhốt chuồng, anh Y Knap còn kết hợp chăn nuôi bò. Y Knap dự định sắp tới sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi, tăng đàn, tăng diện tích trồng cỏ để bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Với kết quả đã đạt được, anh luôn sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho bà con trong buôn khi có nhu cầu nuôi dê để phát triển kinh tế.
Djuang Niê
Ý kiến bạn đọc