Multimedia Đọc Báo in

Sau 3 năm thực hiện cho vay theo Nghị định 55: Nỗ lực từ Agribank Đắk Lắk

13:21, 26/10/2018

Ngày 9-6-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn (Nghị đinh 55).

Là một trong những ngân hàng đi đầu, sớm triển khai thực hiện Nghị định này, Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk (Agribank Đắk Lắk) đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương, tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của ngân hàng thương mại Nhà nước trong đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Thuần (thôn Tân Lập, xã Ea Phê, huyện Krông Pắc) được Agribank Krông Pắc cho vay theo Nghị định 55, với hạn mức trên 1,5 tỷ đồng để đầu tư vào kinh tế trang trại. Từ khu đất ven ruộng chỉ trồng rau màu, hiệu quả không đáng kể, đến nay đã là một trang trại diện tích hơn 2 ha đủ loại cây ăn quả đặc sản gồm 150 cây bơ, 100 hơn 100 cây sầu riêng, 300 cây nhãn, 100 cây mít thái... Ngoài ra, ở những khoảng đất trống, dưới tán cây, ông trồng thêm các loại cây dược liệu phù hợp như đinh lăng, ba kích… nên đã tận dụng và phát huy được hầu hết diện tích đất. Hiện nay, mỗi năm sau khi trừ chi phí, ông thu lãi ròng trên 1 tỷ đồng. Ông Thuần chia sẻ, để có được thành quả như ngày hôm nay, bên cạnh nỗ lực và cách làm khoa học của gia đình, còn có sự hỗ trợ rất lớn từ phía Agribank.

Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn Vong Nhi Ksơr (bên phải) cùng cán bộ Agribank Buôn Đôn kiểm tra hiệu quả  vốn vay tại một mô hình sản xuất trên địa bàn.
Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn Vong Nhi Ksơr (bên phải) cùng cán bộ Agribank Buôn Đôn kiểm tra hiệu quả vốn vay tại một mô hình sản xuất trên địa bàn.

Vợ chồng anh Đào Khắc Hãnh (xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) trước đây gia đình chỉ chăn nuôi nhỏ và buôn bán thêm lúa, bắp… nên cuộc sống tương đối khó khăn. Ba năm gần đây, vợ chồng anh quyết định “làm ăn lớn” khi trở thành đại lý bán lẻ cho Công ty Cám Con Cò. Để có vốn luân chuyển hàng hóa, anh đã tìm đến sự hỗ trợ của Agribank Krông Pắc. Với hạn mức tín dụng hơn 1,6 tỷ đồng, khi cần anh sẽ đến ngân hàng rút tiền bất kỳ lúc nào và khi thu về đến đâu lại hoàn trả cho ngân hàng đến đó. Điều đáng nói là trong cả quá trình vay – trả vốn, anh chỉ cần làm thủ tục một lần, nhờ thế anh hoàn toàn chủ động về vốn và giảm được gánh nặng lãi suất trong quá trình kinh doanh của mình.

Là một trong những địa phương khó khăn nhất của tỉnh, thời gian qua, huyện Buôn Đôn đã có nhiều nỗ lực trong việc xóa đói, giảm nghèo. Mặc dù đến nay, theo chuẩn nghèo mới, toàn huyện có đến gần 42% số hộ nghèo, nhưng đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện đã được nâng lên đáng kể. Ông Vong Nhi Ksơr, Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn cho rằng, sự hỗ trợ của ngân hàng, nhất là Agribank Buôn Đôn đã mở ra nhiều “lối thoát” cho người dân trong việc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Đặc biệt, gần đây cây ăn quả có múi phát triển mạnh trên địa bàn huyện là có sự hỗ trợ về tín dụng từ phía Agribank Buôn Đôn, qua đó đã cải thiện đáng kể thu nhập của một bộ phận không nhỏ người dân trên địa bàn.

Theo ông Vương Hồng Lĩnh, Giám đốc Agribank Đắk Lắk, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 55, đơn vị đã kịp thời, chủ động báo cáo và tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND quy định về trách nhiệm hỗ trợ, chỉ đạo và phối hợp triển khai của các cấp, các ngành liên quan; tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định 55 tại năm cụm/khu vực thuộc địa bàn quản lý; kết hợp tổ chức tốt công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn... đến các thành phần kinh tế, dân cư. Đặc biệt trong tháng 10 và tháng 11-2016, chi nhánh đã tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận với Hội Nông dân tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh nhằm đẩy mạnh hoạt động cho vay, thu nợ thông qua tổ liên kết/tổ vay vốn theo quy định hiện hành của Agribank.

Tính đến cuối tháng 8-2018, tổng dư nợ cho vay của chi nhánh đạt 10.264 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 9.789 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 96% với thành phần cho vay chủ yếu là hộ gia đình, cá nhân (9.164 tỷ đồng). Riêng dư nợ cho vay theo Nghị định 55 đạt 4.733 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 46,4% tổng dư nợ). Ngoài ra, Agribank Đắk Lắk còn áp dụng các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng theo Nghị định số 55; trong đó thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ (gia hạn nợ/điều chỉnh kỳ hạn nợ) cho 2.899 khách hàng với dư nợ 342,5 tỷ đồng; cho vay mới 132 tỷ đồng nhằm hỗ trợ khắc phục khó khăn cho 1.164 khách hàng.

Hệ thống chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng; đời sống vật chất, tinh thần của phần lớn bà con nông dân theo đó từng bước được cải thiện và nâng cao. Agribank Đắk Lắk lựa chọn phương thức đầu tư khép kín từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu tiêu thụ và thanh toán; chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ yếu không ngừng được nâng cao; thu nhập, đời sống của phần lớn bà con nông dân ngày càng được cải thiện, công tác định canh định cư đạt được một số thành quả nhất định nhờ việc tiếp nhận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP, ngày 9-6-2015 về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ, những cá nhân, hộ gia đình cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc có tham gia sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, mô hình ứng dụng công nghệ cao... sẽ được cho vay không cần tài sản đảm bảo lên đến 70-80% giá trị dự án, phương án sản xuất, kinh doanh. Lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất thông thường; riêng những đối tượng chính sách, ưu đãi và nhiều chương trình tín dụng đặc thù thì lãi suất chỉ khoảng 5-6%/năm.

Giang Nam – Quốc Lương

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.