Multimedia Đọc Báo in

Vệ sinh an toàn thực phẩm: Bao giờ mới hết nỗi lo?

09:11, 09/10/2018

An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường kiểm tra và phát hiện nhiều vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh, chế biến thực phẩm. Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, đơn vị đã thực hiện công tác kiểm tra về tình hình chấp hành vệ sinh ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch định kỳ lẫn đột xuất. Đặc biệt, đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh cố định các mặt hàng rượu bia, nước giải khát, bánh kẹo, các dịch vụ ăn uống như nhà hàng, quán ăn, Chi cục tập trung kiểm tra việc sử dụng và nguồn gốc của nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc, xuất xứ; việc thực hiện các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, công bố hợp quy; nhãn hàng hóa, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, đăng ký kinh doanh, điều kiện đảm bảo ATTP. Trong quá trình kiểm tra, Chi cục cũng kết hợp tuyên truyền trực tiếp đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh các quy định của pháp luật về kinh doanh hàng hóa và bảo đảm ATTP.

Cơ quan chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm tại một cửa hàng ở huyện Ea H’leo.
Cơ quan chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm tại một cửa hàng ở huyện Ea H’leo.

Chi cục QLTT tỉnh khuyến cáo, để bảo đảm an toàn thực phẩm,  người tiêu dùng cần tỉnh táo lựa chọn và không nên tin quá nhiều vào những lời quảng cáo “có cánh”. Đồng thời, cần tìm hiểu thông tin về sản phẩm cũng như hạn sử dụng trước khi quyết định chọn mua.

Trước sự siết chặt quản lý của cơ quan chức năng, đa phần các cơ sở kinh doanh đã có ý thức chấp hành các quy định về bảo đảm vệ sinh ATTP. Tuy nhiên, vì chạy theo lợi nhuận, xem thường pháp luật, nhiều đối tượng sản xuất, kinh doanh vẫn cố tình vi phạm. Trong số 139 cơ sở được Đoàn kiểm tra ATTP của Chi cục QLTT tỉnh kiểm tra từ đầu năm đến nay, đã phát hiện 48 cơ sở vi phạm. Chi cục đã phạt hành chính trên 95 triệu đồng, tịch thu hàng hóa trên 74 triệu đồng (1.650 gói bánh, 3.715 hộp kẹo, 560 cái bánh trung thu Trung Quốc các loại; 25 gói dưa món; 25 kg ruốc thịt; 5 kg trà gừng; 8 bịch rau củ quả sấy khô không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 3 gói men rượu hiệu Quân tám; 44 chai dầu ăn hiệu Golden Seal hết hạn sử dụng…). Trong đó, chỉ tính riêng đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh (từ ngày 15-4 đến ngày 15-5-2018), Chi cục đã kiểm tra và phát hiện, xử lý 23 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính gần 27 triệu đồng. Đồng thời, buộc tiêu hủy nhiều hàng hóa gồm 33 chai nguyên liệu SYRUP (loại 1,36 kg) không rõ nguồn gốc xuất xứ, 23 gói me Thái, 25 gói dưa món, 25 kg  ruốc thịt không rõ nguồn gốc xuất xứ, 19 gói tảo biển Gob Bawee.

Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra an toàn thực phẩm sản phẩm nước giải khát tại huyện Krông Búk.
Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra an toàn thực phẩm sản phẩm nước giải khát tại huyện Krông Búk.

Các hành vi vi phạm thường thấy như sử dụng nguyên liệu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ để chế biến thực phẩm; không có giấy khám sức khỏe định kỳ theo quy định; giấy chứng nhận đủ sức khỏe quá thời hạn; không có giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm; vi phạm về nhãn hàng hóa; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng. Đối tượng vi phạm phần lớn tập trung vào những cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ... Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tình trạng vi phạm chưa thể xử lý dứt điểm, bởi hễ có kiểm tra là lại phát hiện sai phạm.

Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng của tỉnh đã và đang tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác kiểm tra thị trường, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm để bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời, chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP đến các đối tượng sản xuất, kinh doanh để người dân hiểu và thực hiện. Theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, Hội luôn tuyên truyền và kêu gọi mọi người hãy mua hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, duy trì thói quen giữ hóa đơn, chứng từ kèm theo, kiên quyết nói không với hàng giá rẻ, không nhãn mác hoặc nhãn mác mập mờ.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.