Multimedia Đọc Báo in

Vòng luẩn quẩn ở buôn nghèo Tơ Zoa

08:44, 29/10/2018

Hình thức vay đơn giản, không cần thế chấp tài sản, nhiều hộ nông dân nghèo thiếu vốn sản xuất đã tìm đến các đại lý thu mua nông sản "vay nóng". Hậu quả là "lãi mẹ đẻ lãi con", chủ các đại lý thu mua được đà ép giá khiến đời sống người dân ngày càng khốn đốn. Câu chuyện đã diễn ra nhiều năm qua ở buôn Tơ Zoa (xã Cư Amung, huyện Ea H’leo)...

Buôn có khoảng 70 ha đất nông nghiệp, người dân chủ yếu trồng các loại cây ngắn ngày như đậu, sắn, ngô... Cuộc sống khó khăn khiến nhiều người phải đi vay tiền tại các đại lý vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản để đầu tư sản xuất với lãi suất 3%/tháng. Đến vụ thu hoạch, chủ các đại lý sẽ đến tận rẫy thu mua với giá thấp để trừ nợ. Theo lời buôn trưởng Y Wer Siu, cả buôn có 162 hộ dân thì hơn 90% đã là “con nợ”. Với vòng luẩn quẩn “vay trước, trả sau” đó nên cái nghèo cứ đeo bám người dân từ năm này qua năm khác.

Gia đình H’Po Hra kiệt quệ vì vay nợ từ các đại lý thu mua nông sản.
Gia đình H’Po Hra kiệt quệ vì vay nợ từ các đại lý thu mua nông sản.

Trong căn nhà tuềnh toàng, không có gì đáng giá ngoài mấy bộ quần áo đã cũ mèm treo góc nhà, bà H’Răn Êban (63 tuổi) ngậm ngùi kể: "Nhà tôi có 3 ha trồng ngô, sắn, đậu... Do thiếu vốn nên đến đại lý mua nợ phân bón, giống, thuốc trừ sâu... Để cấn nợ, họ thu nông sản của mình giá rất thấp. Nếu giá ngô trên thị trường là 3.200 đồng/kg thì họ chỉ mua 2.000 đồng/kg, đậu 20.000 đồng/kg họ chỉ thu 15.000 đồng/kg, sắn phơi khô 3.500 đồng/kg thì thu 3.000 đồng/kg... Năng suất cây trồng thấp, làm không đủ trả tiền vay nên gia đình tôi vẫn còn nợ gần 50 triệu đồng".

Gia đình chị H’Po Hra (25 tuổi) thậm chí còn điêu đứng hơn khi bị xiết đất vì không có tiền trả nợ. Chị H’Po Hra kể: 5 năm trước gia đình vay 25 triệu đồng để đầu tư sản xuất, nhưng làm không đủ trả. Mẹ chị lại bị bệnh nên phải gán đất vay nợ thêm. Nợ chồng nợ, không có tiền trả nên họ lấy hết 1,7 ha đất sản xuất và 3 sào đất thổ cư, chỉ chừa cho 16 m2 để gia đình dựng cái lều ở tạm. Mọi khó khăn đè thêm lên vai chị khi mẹ vừa mất, chồng bỏ đi. Hiện chị H’Po phải lo cho 2 đứa em trai, 2 đứa con đang còn tuổi ăn, tuổi lớn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Cư Amung xác nhận: Chuyện nhiều người dân buôn Tơ Zoa khốn khổ vì "vay nóng" thì chính quyền địa phương, công an xã đều nắm được. Tuy nhiên, theo ông Trung thì việc xử lý rất khó, vì đây là hình thức thỏa thuận dân sự giữa người dân với nhau. Dù cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo chi bộ, đảng viên, ban tự quản tuyên truyền, động viên bà con không vay vốn từ tư nhân mà nên tìm đến các nguồn vốn chính sách xã hội nhưng do nhiều hộ không đủ điều kiện vay ngân hàng, một số “ngại” thủ tục phức tạp, trong khi "vay nóng" dễ dàng, nhanh chóng và số tiền vay được nhiều hơn nên họ lại âm thầm đi vay.

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.