Multimedia Đọc Báo in

Bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật: Góp phần bảo vệ môi trường đồng ruộng tại huyện Krông Ana

08:33, 06/11/2018

Từ cuối năm 2017, huyện Krông Ana triển khai xây dựng các bể chứa bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ở một số cánh đồng trên địa bàn huyện.

Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế thấp nhất tác hại của bao bì thuốc BVTV đến đời sống người dân.

Thuốc BVTV là vật tư cần thiết trong sản xuất nông nghiệp, sử dụng thuốc BVTV được xem là biện pháp quan trọng trong việc ngăn chặn dịch hại bùng phát trên cây trồng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình trạng vứt bỏ bao gói, chai lọ đựng thuốc BVTV tùy tiện ở các cánh đồng, kênh mương thủy lợi, bờ sông… của một số người dân dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao. Theo thống kê, toàn huyện Krông Ana có trên 27 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, hệ lụy đi kèm là một lượng không nhỏ chai lọ, bao bì thuốc BVTV rất lớn bị xả thải ra môi trường. Để giải quyết thực trạng trên, năm 2017, huyện Krông Ana đã cấp kinh phí để Phòng Tài nguyên và Môi trường triển khai xây dựng, lắp đặt thí điểm các bể chứa bao bì thuốc BVTV tại 3 xã: Bình Hòa, Quảng Điền và Dur Kmăl, dự kiến đến hết năm 2018 sẽ lắp đặt bể chứa ở các xã: Ea Na, Ea Bông, Đray Sáp, Băng Ađrênh và thị trấn Buôn Trấp.

Người dân xã Bình Hòa bỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng vào bể chứa.
Người dân xã Bình Hòa bỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng vào bể chứa.

Bình Hòa là một trong những địa phương có diện tích lúa nước lớn nhất huyện, với khoảng 1.500 ha, do đó tình trạng vứt bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV sau khi sử dụng diễn ra khá phổ biến. Hình ảnh dễ nhận thấy là trên các trục đường nội đồng, kênh mương thủy lợi ở các cánh đồng có rất nhiều loại rác thải vứt bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến nguồn nước sản xuất. Cuối năm 2017, UBND huyện đã cấp kinh phí, tiến hành lắp đặt 30 bể chứa trên các cánh đồng lúa nước tại xã Bình Hòa. Từ ngày có các bể chứa thì tình trạng vứt rác ở đồng ruộng giảm đáng kể, người dân địa phương tự bảo ban nhau bỏ rác đúng nơi quy định. Còn ở thị trấn Buôn Trấp, với khoảng 1 nghìn ha đất sản xuất lúa nước, hằng ngày, nhất là trong vụ gieo trồng đến thời điểm lúa trưởng thành, một lượng rất lớn bao bì thuốc BVTV bị vứt ngổn ngang trên các trục đường, kênh mương tại cánh đồng Buôn Trấp. Nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng xả rác thải độc hại ra môi trường ở đồng ruộng, đầu năm 2018, huyện Krông Ana đã lắp đặt 30 bể chứa tại các trục đường chính trên cánh đồng Buôn Trấp để thuận tiện cho người dân trong việc bỏ rác.

UBND huyện Krông Ana cho biết, trước mắt địa phương tiến hành lắp đặt 240 bể chứa tại các cánh đồng trồng cây hằng năm, chủ yếu vùng sản xuất lúa nước. Về lâu dài, huyện sẽ lắp đặt thêm các bể chứa tại những vùng trồng cây lâu năm như cà phê, tiêu…

Tại xã Đray Sáp, nhận thấy tình trạng rác thải nói chung, bao bì thuốc BVTV nói riêng xả thải ra môi trường quá nhiều, nên từ năm 2017 đến nay, xã đã chủ động trích ngân sách, đồng thời vận động đoàn viên thanh niên tham gia ngày công xây dựng 20 bể chứa tại các cánh đồng lúa nước. Ông Hòa Quang Trịnh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, ở các cánh đồng được lắp đặt bể chứa, tình trạng rác thải giảm đáng kể. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách hạn chế, trong khi diện tích các loại cây trồng trên địa bàn khá lớn nên địa phương mong muốn thời gian sắp tới UBND huyện hỗ trợ, lắp đặt các bể chứa bao bì thuốc BVTV tại một số vị trí chưa có bể chứa để mô hình này được triển khai đều khắp ở các thôn, buôn trên địa bàn.

Người dân bỏ chai lọ đựng thuốc BVTV vào thùng chứa rác độc hại đặt tại cánh đồng Buôn Trấp.
Người dân bỏ chai lọ đựng thuốc BVTV vào thùng chứa rác độc hại đặt tại cánh đồng Buôn Trấp.

Việc lắp đặt và đưa vào sử dụng các bể chứa bước đầu phát huy hiệu quả, đặc biệt nâng cao ý thức của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường ở khu vực sản xuất. Ông Hoàng Văn Liêm (thôn 4, xã Bình Hòa) cho hay, trước đây khi chưa có bể chứa, mỗi lần sử dụng thuốc BVTV gia đình ông và nhiều hộ khác thường vứt bao bì, chai lọ chung với túi rác thải sinh hoạt. Từ ngày huyện đặt bể chứa, được địa phương tuyên truyền về những tác hại của bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng, bản thân ông và mọi thành viên trong gia đình đều phân loại rác trước khi bỏ vào bể chứa. Tuy nhiên, do nhận thức và thói quen, ở một số nơi vẫn còn một bộ phận nhỏ người dân vứt rác mà không phân loại trước khi bỏ vào bể chứa. Điều này dẫn tới tình trạng quá tải ở các bể và gây khó khăn cho công tác thu gom, xử lý sau này.

Ông Trần Đình Chiến, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Ana cho biết, trước thực trạng một số người dân vứt bỏ nhiều loại rác trong bể chứa, với vai trò chủ đầu tư, Phòng đã đề nghị các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, lồng ghép trong các buổi họp thôn, buôn để vận động người dân nâng cao ý thức trong việc bỏ rác. Hiện UBND huyện Krông Ana đã phê duyệt phương án thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn. Theo đó, mỗi năm sẽ tổ chức 2 đợt (sau 2 vụ sản xuất chính) phát động các tổ chức, cá nhân và người dân tham gia thu gom tại các khu vực đã đặt bể chứa. Đối với công tác tiêu hủy, do trên địa bàn tỉnh chưa có nơi tiêu hủy các loại bao bì thuốc BVTV nên địa phương sẽ hợp đồng với đơn vị chức năng để vận chuyển, xử lý và tiêu hủy theo đúng quy định.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc