Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện M'Đrắk: Cần tháo gỡ khó khăn về giống
Thời gian gần đây, bà con nông dân trên địa bàn huyện M’Đrắk đã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những giống mới có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Việc đưa những loại cây trồng mới (nhất là những cây trồng lâu năm) vào sản xuất có thể mang lại cơ hội đổi đời cho nông dân song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn...
Năm 2018, huyện M’Đrắk có 3.245,7 ha cây lâu năm, tăng 351,5 ha so với năm 2017; trong đó, hồ tiêu 815 ha, cao su 1.295,9 ha, điều 341,5 ha, cây ăn quả 717,2 ha... Thực tế những năm gần đây, các loại cây lâu năm nói trên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, chứng tỏ sự phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, cải thiện đáng kể thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, một thách thức không nhỏ là nông dân gặp khó khăn trong việc tìm nguồn giống cây trồng bảo đảm chất lượng; tình trạng cây trồng đến giai đoạn thu hoạch không đạt năng suất, thời gian thu hoạch chỉ được vài ba năm đầu trong khi quá trình đầu tư lâu dài trước đó rất tốn kém, hay phát sinh các loại sâu bệnh do cây giống chưa được xử lý mầm bệnh... vẫn còn xảy ra phổ biến trên địa bàn huyện.
Người dân huyện M'Đrắk vẫn có thói quen mua giống cây lâu năm không rõ nguồn gốc tại các xe bán cây giống lưu động. |
Đơn cử như cuối năm 2017, đầu năm 2018, xã Ea Lai có 58,6 ha hồ tiêu bị chết trắng (chiếm 13,5% diện tích toàn xã), nhiều nhất là tại các thôn 4, 6, 8; những diện tích còn lại dù không chết cũng bị giảm năng suất. Một trong những nguyên nhân quan trọng được xác định là do chất lượng giống cây trồng không bảo đảm, dẫn đến hồ tiêu không có sức đề kháng, mầm bệnh chưa được xử lý tận gốc trước khi xuống giống. Vườn tiêu chết trắng, nợ nần chồng chất do tất cả vốn liếng đổ dồn vào đầu tư suốt nhiều năm liền khiến không ít gia đình lao đao, bế tắc. Thua lỗ do tiêu, thời gian gần đây nông dân xã Ea Lai từng bước thực hiện chuyển đổi sang trồng các loại cây khác song bà con vẫn loay hoay, lúng túng trong việc lựa chọn loại cây và tìm kiếm nguồn giống an toàn để canh tác.
Xã Ea Pil là một trong những địa phương được chọn triển khai Dự án xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao của huyện M’Đrắk; trong đó, những loại cây ăn trái như nhãn, vải được xem là những sản phẩm thế mạnh của địa phương bởi được người tiêu dùng và các thương lái trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Đã có nhiều hộ đầu tư hàng trăm triệu đồng cho các vườn cây ăn trái nhưng chủ yếu sử dụng giống tự chiết ghép, lai tạo. Tại Hội nghị thảo luận về công tác xây dựng nông thôn mới tại xã Ea Pil mới đây, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện M’Đrắk đã nêu lên những vấn đề bất cập về cây giống và việc công nhận giống cây đầu dòng cho cây trồng trên địa bàn xã Ea Pil nói riêng và huyện M’Đrắk nói chung; trong đó, nhấn mạnh việc người dân hiện đang cắt tỉa cành chiết ghép chưa đúng quy trình, kỹ thuật, chỉ dựa trên kinh nghiệm chủ quan nên không bảo đảm chất lượng, độ tuổi, việc xử lý mầm bệnh… làm ảnh hưởng đến quá trình nhân giống, chất lượng giống bán ra thị trường có thể dẫn đến hậu quả khó lường trong tương lai.
Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện M’Đrắk kiểm tra chất lượng các vườn cây lâu năm tại xã Cư Prao. |
Rõ ràng, thực tế đang đòi hỏi cần có giải pháp trong công tác quản lý, hỗ trợ, hướng dẫn người dân lựa chọn cây giống sao cho bảo đảm năng suất, chất lượng. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần xác định giống cây trồng chủ lực tại mỗi địa phương, từ đó lựa chọn các giống cây trồng đạt chất lượng tốt nhất. Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý giống, vật tư nông nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực giống, vật tư nông nghiệp, liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm. Có như vậy mới phát huy hết giá trị tiềm năng về đất đai và nguồn nhân lực nông nghiệp ở địa phương.
Thu Nguyệt
Ý kiến bạn đọc