Multimedia Đọc Báo in

Để du lịch Buôn Đôn hấp dẫn hơn...

16:16, 10/11/2018

Du lịch Buôn Đôn từ lâu đã trở thành một thương hiệu du lịch gắn liền với hình ảnh voi và truyền thống săn bắt, thuần dưỡng voi rừng. Trước thách thức về bảo tồn đàn voi nhà cùng nhiều biến chuyển của điều kiện tự nhiên, xã hội, ngành Du lịch huyện Buôn Đôn đang nỗ lực đầu tư làm mới sản phẩm, liên kết để cùng phát triển.

Gắn phát triển văn hóa với kinh tế du lịch

Trong chương trình Dân hỏi - Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời mới đây, ông Y SI THẮT KSƠR, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn đã có những chia sẻ để du lịch của địa phương phát triển.

°Thường du khách đến Đắk Lắk đều muốn đi Buôn Đôn. Song sau khi tham quan có chung suy nghĩ là chưa hấp dẫn, thiếu chuyên nghiệp, dịch vụ thì nghèo nàn... Vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông? 

Buôn Đôn là một địa danh nổi tiếng của Việt Nam, cũng được nhiều người trên thế giới biết đến. Du khách muốn đến Buôn Đôn là để được tận mắt ngắm, cưỡi voi, tìm hiểu về nghề truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Với thế mạnh trên, phát triển loại hình du lịch trải nghiệm với voi là ưu tiên hàng đầu của huyện, nhưng thẳng thắn nhìn nhận cả 5 điểm du lịch trên địa bàn huyện (gồm: Khu du lịch quần thể cầu treo; Khu du lịch sinh thái Bản Đôn - Ánh Dương; Vườn Quốc gia Yok Đôn; Thác Bảy nhánh  - Thanh Hà; Trang trại du lịch Vườn Troh Bư)  chất lượng phục vụ đều chưa đạt yêu cầu, sản phẩm và các loại hình du lịch chưa đa dạng để thu hút du khách.

Nguyên nhân có nhiều, nhưng theo tôi có 3 nguyên nhân sau: Một là tư duy của những người làm công tác du lịch chưa thực sự nhạy bén; cơ chế đối với khu du lịch hiện nay chưa cởi mở, chưa tạo thuận lợi để thu hút đầu tư; chưa có cơ chế khuyến khích xã hội hóa vào các hoạt động phát triển dịch vụ và hạ tầng du lịch, trong đó có khai thác văn hóa bản địa, văn hóa voi, tour khám phá đời sống, phong tục của người địa phương; tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên, của người dân làm du lịch chưa thân thiện, mến khách; nạn chèo kéo, chặt chém du khách tuy không nhiều nhưng vẫn còn diễn ra. Hai là ngân sách đầu tư cho hạ tầng du lịch hạn chế, trong đó đầu tư để nâng cao chất lượng dịch vụ chưa được quan tâm đúng mức, tiến độ triển khai các hạng mục về du lịch chậm do thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp. Ngoài ra, các quy định cứng nhắc của một vài điểm du lịch cũng là điều đáng nói, gây phản cảm, không thu hút du khách. Ba là cảnh quan môi trường ở các khu du lịch ngày càng xuống cấp do tác động của con người, đó là xây dựng các thủy điện bậc thang trên sông Sêrêpốk đã làm sông, hồ cạn kiệt dẫn đến các loại hình du lịch trên sông nước không thể hoạt động, khai thác ảnh hưởng rất lớn đến môi trường du lịch; trục giao thông đến các điểm du lịch xuống cấp nghiêm trọng; môi trường tự nhiên bị hủy hoại như ô nhiễm nguồn nước, mất rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh; các khu du lịch trên địa bàn thiếu sự liên kết, phối hợp.

°Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, theo ông cần phải phát triển các dịch vụ du lịch của địa phương như thế nào để vừa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, vừa bảo tồn và duy trì được bản sắc văn hóa địa phương?     

Theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị  về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Buôn Đôn ưu tiên phát triển du lịch, đã đưa ra cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ đi đôi với bảo tồn và phát huy hết giá trị để khai thác tốt các loại hình văn hóa truyền thống. Chúng tôi xác định thế mạnh du lịch của địa phương là sinh thái - văn hóa. Trong đó, ưu tiên khuyến khích đầu tư phát triển văn hóa cộng đồng, tạo thêm việc làm cho người dân từ việc gắn phát triển văn hóa với kinh tế du lịch.

Trình tấu cồng chiêng tại một Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn.
Trình tấu cồng chiêng tại một Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn.

Trên địa bàn huyện hiện có rất nhiều loại hình văn hóa đặc sắc của 18 dân tộc cùng chung sống. Tuy nhiên, do trình độ dân trí không đồng đều, sự quan tâm đầu tư chưa đúng mức cộng với nền kinh tế kém phát triển đã không phát huy được nhiều loại hình văn hóa phục vụ cho du lịch. Ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ tại các điểm du lịch, huyện chủ trương nâng cấp các loại hình du lịch, trong đó ưu tiên các loại hình có thế mạnh như: Lễ hội tháng ba Tây Nguyên, trong đó có Hội đua voi, các hoạt động của voi, đua thuyền độc mộc, diễn tấu cồng chiêng; liên kết các điểm du lịch; khắc phục tình trạng mất vệ sinh môi trường khu dân cư; đẩy mạnh xã hội hóa du lịch...

 °Ông cho rằng vấn đề liên kết du lịch là hết sức cần thiết. Vậy ông có thể chia sẻ về thực trạng cũng như giải pháp của địa phương để đẩy mạnh việc kết nối tạo ra được các chuỗi du lịch để thu hút du khách đến tham quan và lưu trú?

Tỉnh Đắk Lắk được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng cả nước. Nhiều năm trở lại đây, tỉnh đã phát huy tốt lợi thế này để phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc liên kết để mở rộng, phát triển du lịch chưa được chú trọng, quan tâm. Vì chưa liên kết nên chất lượng các sản phẩm phục vụ du khách chưa có tính cạnh tranh, còn đơn điệu về chủng loại, chưa có sản phẩm nào gây ấn tượng với du khách.

Lễ hội đua voi độc đáo ở Buôn Đôn tổ chức hai năm một lần vào tháng ba.
Lễ hội đua voi độc đáo ở Buôn Đôn tổ chức hai năm một lần vào tháng ba.

Nhận thức được vấn đề liên kết tạo nên thế mạnh cho du lịch, trong Đề án mở rộng và phát triển du lịch, huyện Buôn Đôn ngoài chủ trương đa dạng hóa các sản phẩm, các loại hình du lịch, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị kinh doanh, khai thác du lịch trên địa bàn cam kết hỗ trợ nhau, đảm bảo giá cả dịch vụ ẩm thực, lưu trú… đồng nhất. Cùng với tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, cải tạo cơ sở hạ tầng, UBND huyện sẽ tham mưu cho các cơ quan chức năng của tỉnh có phương án tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh tạo thành chuỗi du lịch liên hoàn. Riêng các điểm du lịch đã có sẵn, chúng tôi xúc tiến phương án mở rộng các loại hình du lịch dã ngoại rừng nguyên sinh Vườn Quốc gia Yok Đôn, cải tạo các hồ sinh thái hiện có để phát triển loại hình vui chơi dưới nước; phát triển và chuyên nghiệp hóa các loại hình nghệ thuật truyền thống.

Để phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Buôn Đôn nói riêng thành ngành kinh tế mũi nhọn vấn đề mấu chốt phải có sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều cấp, nhiều ngành, trước hết là những người làm công tác du lịch.

°Xin cảm ơn ông!

Nguyên Hoa (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.