Multimedia Đọc Báo in

Hộ sản xuất nhỏ hưởng lợi từ khuyến công

07:27, 14/11/2018

Thông qua các đề án khuyến công, thời gian qua nhiều hộ gia đình đã được tạo điều kiện để phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ ở nông thôn, địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đa phần là các cơ sở hộ gia đình quy mô nhỏ. Các cơ sở này gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư dây chuyền thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất. Những đề án khuyến công được đưa về các huyện, thị xã, thành phố thời gian qua đã góp phần giải quyết khó khăn này cho các hộ sản xuất nhỏ.

Đơn cử như Cơ sở bánh mì Chung Phát (thôn 4, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) chuyển giao Đề án hỗ trợ máy móc thiết bị sản xuất bánh mì, công suất 120 kg bột/giờ, với tổng kinh phí 170 triệu đồng đã giúp cơ sở giảm đáng kể thời gian nhào bột, lượng nhân công và thời gian gia công các loại bánh, đồng thời tăng số lượng sản phẩm làm ra.

Tương tự, hoạt động của Cơ sở cơ khí Đăng Khoa (thôn 2, thị trấn Ea Súp) cũng thuận lợi hơn nhờ được thụ hưởng Đề án khuyến công là chiếc máy phay tiện đa năng kinh phí 100 triệu đồng, giúp cho cơ sở giảm chi phí đi lại, giảm nhân công và tăng hiệu suất hoạt động. Ông Nguyễn Đăng Khoa, chủ cơ sở cho biết, trước đây, để phay hay tiện bất cứ sản phẩm nào, ông phải đưa lên TP. Buôn Ma Thuột, thuê các xưởng cơ khí lớn làm, nhưng giờ đây, cơ sở có thể thực hiện được hết những phần việc ấy. Bên cạnh đó, nhờ có thêm máy móc, hiệu suất công việc của cơ sở tăng cao nên thu nhập của công nhân được tăng theo.

Một cơ sở chế biến dăm gỗ tại xã Cư Mta, huyện M’Đrắk.  (Ảnh minh họa)
Một cơ sở chế biến dăm gỗ tại xã Cư Mta, huyện M’Đrắk. (Ảnh minh họa)

Một đối tượng thụ hưởng khác từ hoạt động khuyến công là hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hoa (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) với Đề án hỗ trợ máy móc thiết bị điêu khắc mỹ nghệ, công suất 1.000 sản phẩm/tháng, tổng kinh phí 150 triệu đồng. Theo bà Nguyễn Thị Hoa, chủ cơ sở, do thiếu vốn đầu tư máy móc thiết bị nên trước đây cơ sở của gia đình bà chủ yếu chỉ sản xuất các sản phẩm gỗ mỹ nghệ; nay nhờ thụ hưởng đề án khuyến công, cơ sở có thể chế tác thêm sản phẩm từ mi ca, kim loại với độ tinh xảo cao hơn, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Hay như cơ sở chế biến cà phê của anh Nguyễn Trọng Dương (thôn 1, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) hưởng lợi từ Đề án hỗ trợ máy móc thiết bị trong sản xuất chế biến cà phê bột, công suất 120kg nguyên liệu/mẻ, kinh phí 100 triệu đồng, nhờ đó hoạt động sản xuất giảm ô nhiễm môi trường, chi phí nhân công, nhưng chất lượng sản phẩm tăng lên so với rang sấy bằng củi như trước đây.

Năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 13 Đề án hỗ trợ trực tiếp máy móc thiết bị cho các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các huyện Ea H’leo, M’Đrắk, Cư Kuin, Ea Kar, Krông Ana, Buôn Đôn, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột với tổng kinh phí 4,1 tỷ đồng. Ông Trương Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cho biết, những Đề án chuyển giao cho các cơ sở sản xuất được thẩm định kỹ lưỡng, trong đó ưu tiên những đề án phù hợp với nhu cầu thực tế và có tính ứng dụng cao, nhờ vậy đã phát huy hiệu quả cao trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh của đối tượng thụ hưởng. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động khuyến công đã khuyến khích các hộ sản xuất nhỏ mạnh dạn đầu tư, ứng dụng thiết bị hiện đại, qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng doanh thu và góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Năm 2019, hoạt động khuyến công địa phương sẽ tập trung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các mô hình trình diễn kỹ thuật được hỗ trợ tối đa 30% nhưng không quá 400 triệu đồng/mô hình. Các Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hỗ trợ tối đa 50% chi phí nhưng không quá 180 triệu đồng/cơ sở.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc