Multimedia Đọc Báo in

Hội Phụ nữ xã Hòa Tiến giúp hội viên phát triển kinh tế

07:58, 22/11/2018

Thực hiện “Phong trào phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”, trong thời gian qua, Hội Phụ nữ xã Hòa Tiến (huyện Krông Pắc) đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả, tạo động lực cho hội viên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình trong xã hội.

Gia đình chị Phan Thị Vân (thôn 2B) không có nương rẫy, nguồn thu nhập chủ yếu từ việc nuôi vịt thả đồng, nhưng không may bị thiệt hại lớn do dịch cúm gia cầm. Chị đã mở cơ sở làm bánh tráng tại nhà, nhưng do thiếu vốn đầu tư nên sản phẩm làm ra ít, lượng khách cũng bị hạn chế, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Đầu năm 2018, Hội Phụ nữ xã giúp gia đình chị vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế. Với số vốn được vay, chị vừa đầu tư nuôi 300 con vịt lấy trứng, vừa đầu tư trang thiết bị, máy móc mở rộng cơ sở làm bánh tráng. Đến nay, cơ sở làm bánh tráng của chị trung bình một ngày làm hơn 1 tạ gạo, thu nhập rất khả quan và tạo việc làm cho 3 lao động với tiền công 100 nghìn đồng/người/ngày.

Chị Nguyễn Thị Hồng phát triển kinh tế bằng nghề thu mua phế liệu.
Chị Nguyễn Thị Hồng phát triển kinh tế bằng nghề thu mua phế liệu.

Chị Nguyễn Thị Hồng (thôn 1B) cũng có hoàn cảnh khó khăn, chân chị bị tật do tai nạn bom mìn, thường xuyên đau nhức nhưng chị vẫn cố gắng bươn chải mưu sinh bằng nghề thu mua phế liệu. Đầu tháng 7 vừa qua, được Hội LHPN huyện Krông Pắc tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp, chị Hồng đã có thêm vốn thu mua phế liệu, tạo việc làm ổn định cho 2 lao động với thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng…

Hội Phụ nữ xã Hòa Tiến có 7 chi hội thôn với 1.072 hội viên. Để tiếp thêm động lực và tạo cơ hội cho các chị em phụ nữ phát triển kinh tế, Hội Phụ nữ xã chú trọng vận động, tuyên truyền các hội viên xây dựng các tổ tiết kiệm, hùn vốn cho chị em vay không lãi suất hằng tháng. Đầu năm 2018, Hội thành lập thêm 3 tổ tiết kiệm, với 60 chị tham gia và mỗi tổ có nguồn vốn 10 triệu đồng, cho 4 chị vay để chăn nuôi. Như vậy đến nay, Hội đã có 25 tổ tiết kiệm, với số vốn 660 triệu đồng, cho 123 chị vay phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, với số vốn 50 triệu đồng từ Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Hội LHPN huyện, Hội Phụ nữ xã đã xét duyệt cho 4 chị vay để trồng rau, làm bánh tráng và thu mua phế liệu. Ngoài ra, Hội còn tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền gần 8 tỷ đồng cho 332 hội viên vay, các nguồn vốn vay đều sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Hội còn phối hợp với Trạm Khuyến nông mở các lớp tập huấn nuôi gà thả vườn, trồng và chăm sóc cây bơ booth; giới thiệu các mô hình hiệu quả cho hội viên tham quan học hỏi, giới thiệu việc làm cho hội viên...

Cơ sở làm bánh tráng của chị Phan Thị Vân.
Cơ sở làm bánh tráng của chị Phan Thị Vân.

Chị Phạm Thị Hồng Tâm, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Tiến cho biết, trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục rà soát số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ để tìm hiểu nguyên nhân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, từ đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả, giúp phụ nữ tự tin và khẳng định vai trò làm chủ kinh tế gia đình.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.