Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea H'leo: Chú trọng đào tạo nghề phi nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường

08:37, 19/11/2018

Nắm bắt nhu cầu thực tế của người học cũng như thị trường, những năm gần đây, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Ea H’leo đã tổ chức các lớp dạy nghề phi nông nghiệp đang được thị trường ưa chuộng, dễ tìm kiếm việc làm, giúp người lao động có nguồn thu nhập ổn định.

Những năm trước đây, để hỗ trợ người dân các địa phương phát triển kinh tế, nhiều lớp dạy nghề hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây công nghiệp, vật nuôi được tổ chức nhằm nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trước nhu cầu ngày càng phát triển của đời sống xã hội, nhiều lao động ở khu vực nông thôn, nhất là lao động trẻ lại có xu hướng muốn học các nghề phi nông nghiệp. Nắm bắt thực tế đó, khoảng 2 năm nay, bên cạnh việc mở một số lớp về nông nghiệp thì Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ea H’leo đã chú trọng đến việc mở các lớp dạy nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động như: sửa chữa máy nông nghiệp, điện tử, trang điểm, nấu ăn… Sau khóa học, ngoài số ít học viên có điều kiện tự mở cơ sở để làm, số còn lại cũng dễ dàng tìm việc ở các cơ sở trong và ngoài địa phương.

Học sinh vừa học văn hóa vừa tham gia học nghề sửa chữa máy nổ nông nghiệp tại Trung tâm.
Học sinh vừa học văn hóa vừa tham gia học nghề sửa chữa máy nổ nông nghiệp tại Trung tâm.

 Đơn cử như trường hợp của em H’Trinh Niê (xã Ea Ral), sau khi tốt nghiệp lớp 12, em ở nhà phụ giúp bố mẹ việc nương rẫy. Đến giữa năm 2018, tình cờ biết về lớp dạy nghề chăm sóc da miễn phí do Trung tâm GDNN-GDTX huyện phối hợp với một cơ sở thẩm mỹ ở TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại thị trấn Ea Đrăng, em đã đăng ký theo học. Sau 3 tháng học nghề, em được nhận vào làm tại cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn huyện (chi nhánh trực thuộc cơ sở thẩm mỹ ở TP. Hồ Chí Minh) với mức lương cơ bản ban đầu hơn 3 triệu đồng/tháng. Hay như em Phạm Thị Thanh Thương (thị trấn Ea Đrăng), dù rất thích công việc làm đẹp cho mọi người nhưng do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên lâu nay chưa thực hiện được. Lớp dạy nghề miễn phí này đã giúp được học nghề mình yêu thích và có công việc ổn định.

 
 “Để tiếp tục thu hút người lao động tham gia học nghề, thời gian tới, Trung tâm sẽ tăng cường công tác tuyên truyền dạy nghề và giới thiệu việc làm; đặc biệt tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo nghề và tuyển dụng lao động… góp phần đáp ứng nhu cầu học nghề và tạo việc làm ngày càng cao của địa phương”. 
 
Ông Lê Ngọc Hậu, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ea H’leo

Bên cạnh những lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm còn mở các lớp dạy nghề miễn phí cho các em học sinh đang học văn hóa tại đơn vị với các nghề chủ yếu là điện dân dụng và sửa chữa máy nông nghiệp. Theo đó, học sinh được học song song giữa kiến thức văn hóa và sơ cấp nghề. Em Nông Văn Thân (xã Ea Khăl) dù đang là học sinh lớp 12 nhưng đã hoàn thành khóa học sơ cấp nghề điện dân dụng tại Trung tâm. “Nhờ tham gia lớp học nghề điện dân dụng, bây giờ em có thể tự mình sửa chữa hệ thống điện trong gia đình; không những thế, sau khi tốt nghiệp lớp 12 nếu không thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng em cũng có thể tự kiếm công việc phù hợp cho mình”, Thân bày tỏ.

Với tốc độ phát triển nhanh chóng của xã hội, vấn đề đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động trẻ càng trở nên cần thiết. Ông Lê Ngọc Hậu, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ea H’leo cho biết, trước xu thế chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động hiện nay, việc dạy nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn sẽ góp phần giải quyết được nhu cầu học nghề, việc làm và tạo nguồn thu nhập ổn định cho họ; đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương, góp phần đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, đơn vị”.

Học sinh lớp 12 tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện trong giờ thực hành khóa học sơ cấp nghề điện dân dụng.
Học sinh lớp 12 tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện trong giờ thực hành khóa học sơ cấp nghề điện dân dụng.

Trong năm 2018, Trung tâm đã mở 9 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có 7 lớp dạy nghề phi nông nghiệp. Hầu hết các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp đã bước đầu mang lại hiệu quả; tạo điều kiện cho lao động nông thôn học và làm việc ngay tại địa phương, vươn lên ổn định cuộc sống cũng như kịp thời định hướng nghề nghiệp tương lai cho các em học sinh đang học văn hóa tại Trung tâm.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.