Khó khăn trong công tác quản lý, giao và cho thuê đất
Những năm qua, mặc dù việc giao đất, cho thuê đất trên địa bàn tỉnh được bảo đảm theo đúng quy định pháp luật, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc .
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, từ khi Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật có hiệu lực, Sở đã tham mưu UBND tỉnh cho thuê đất, ký hợp đồng thuê đất theo đúng trình tự, quy định pháp luật. Tuy nhiên, việc sử dụng đất cho thuê trên địa bàn tỉnh còn nhiều vướng mắc, khó khăn, bất cập như: sau khi được UBND tỉnh cho thuê đất, một số nhà đầu tư không đưa đất vào sử dụng liên tục trong 12 tháng kể từ ngày nhận bàn giao đất thực địa; tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ ngày nhận bàn giao đất thực địa phải đưa vào sử dụng; dự án chậm triển khai xây dựng phải thu hồi bàn giao cho địa phương quản lý; việc bồi thường, giải phóng mặt bằng khó khăn, kéo dài dẫn đến chậm tiến độ thực hiện dự án.
Một khu vực đất vùng dự án ở huyện Ea Súp xảy ra tình trạng lấn chiếm, xâm canh phức tạp. |
Tại phiên họp của HĐND tỉnh về công tác quản lý tài sản công và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh được tổ chức vào đầu tháng 10-2018, lý giải về những khó khăn, bất cập trong giao đất, quản lý sử dụng đất hiện nay, ông Bùi Thanh Lam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Đất đai năm 2013 và Luật Đấu thầu năm 2013 chưa thống nhất về hình thức cho thuê đất. Cụ thể, tại điều 118 của Luật Đất đai 2013 chỉ quy định 2 hình thức cho các tổ chức thuê đất là: đấu giá quyền sử dụng đất và không đấu giá quyền sử dụng đất. Theo quy định của Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Đấu thầu thì các vị trí đất có giá trị thương mại cao để đầu tư xây dựng công trình thuộc đô thị, khu đô thị mới; nhà ở thương mại; công trình thương mại và dịch vụ; tổ hợp đa năng, cần lựa chọn nhà thầu, đầu tư nên các ngành chức năng gặp khó khăn, lúng túng trong việc xác định đâu là công trình thuộc đối tượng lựa chọn nhà đầu tư hay công trình thuộc đối tượng đấu giá quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, các dự án cho thuê đất để phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ không thuộc đối tượng được Nhà nước thu hồi đất nên chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để triển khai dự án. Việc áp dụng bồi thường về đất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp trước ngày 1-7-2004 theo quy định tại khoản 2, điều 77 của Luật Đất đai năm 2013 chỉ phù hợp với các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi việc quản lý sử dụng của các nông lâm trường đã đi vào ổn định và không có biến động. Riêng đối với Đắk Lắk, thời gian qua đã có nhiều hộ dân lấn chiếm, sử dụng đất thuộc quyền quản lý của các lâm trường quốc doanh do Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trước đây để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, làm nhà ở. Đến thời điểm Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội thì về mặt giấy tờ pháp lý là thu hồi đất của lâm trường quốc doanh, công ty lâm nghiệp hoặc tổ chức khác đang quản lý để thực hiện dự án nhưng thực tế là các hộ gia đình đã sử dụng để sản xuất nông nghiệp, làm nhà ở. Trong trường hợp này nếu thực hiện bồi thường về đất nông nghiệp theo khoản 2 Điều 77 của Luật Đất đai năm 2013 thì không đúng với quy định tại khoản 1, 2 Điều 82 (thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường về đất). Còn nếu áp dụng điều 82 này thì sẽ gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.
Người dân làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại bộ phận "Một cửa" của UBND TP. Buôn Ma Thuột. |
Ngoài ra, một số quy định trong Luật đất đai 2013 cũng không phù hợp với tình hình thực tiễn. Đơn cử, theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 119 về thực hiện đấu giá quyền sự dụng đất, điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất là “Đất đã được giải phóng mặt bằng”. Tuy nhiên thực tiễn hiện nay cho thấy có rất nhiều dự án đầu tư kinh phí giải phóng mặt bằng rất lớn trong khi Nhà nước không đủ kinh phí để giải phóng mặt bằng vì vậy nhiều tỉnh kêu gọi nhà đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng và tiến hành giao đất…
Những bất cập như trên khiến chính các cơ quan quản lý gặp khó trong tổ chức triển khai thực hiện các quy định về tiếp cận đất đai. Đồng thời, những rào cản về thủ tục, những yêu cầu chồng chéo, hay những mâu thuẫn giữa luật với các thông tư hướng dẫn thực hiện, giữa văn bản của cấp trên và cấp dưới… cũng đang cản trở việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp.
Để tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh đã kiến nghị HĐND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh có kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung một số điều khoản trong Luật Đất đai phù hợp hơn với thực tế tại các địa phương; đồng thời điều chỉnh các nghị định hướng dẫn liên quan nhằm cụ thể hóa những tiêu chí quy định cụ thể dự án phải đấu thầu quyền sử dụng đất theo quy định Luật Đất đai năm 2013; dự án quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 2014; dự án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu 2013. |
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc