Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Quảng Hiệp làm giàu cùng cây điều

11:17, 09/11/2018

Nhiều năm qua, cây điều không chỉ là cây "xóa đói, giảm nghèo" đối với người dân ở xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar) mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giúp nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu chính đáng.

Thôn Hiệp Đoàn được biết đến là “thủ phủ” trồng điều của xã Quảng Hiệp. Với diện tích hơn 221 ha, sản lượng trung bình 1,5 tấn/ha, nguồn lợi cây điều mang lại cho nông dân ở đây là khá cao. Ông Hà Duy Đô, Trưởng thôn Hiệp Đoàn cho biết, nhiều hộ ở đây trồng cây theo xu hướng thị trường, có những năm giá tiêu, cà phê tăng cao đột biến đã chặt bỏ điều để chuyển sang trồng tiêu, kết quả thu về chỉ được vài năm đầu, sau đó giá lại bắt đầu giảm. Riêng những hộ vẫn kiên trì trồng điều thì hiệu quả kinh tế vẫn rất ổn định.

Ông Nông Văn Thắng (thôn Hiệp Đoàn) chăm sóc vườn điều đang cho thu bói  của gia đình.
Ông Nông Văn Thắng (thôn Hiệp Đoàn) chăm sóc vườn điều đang cho thu bói của gia đình.

Như hộ ông Nông Văn Thắng (thôn Hiệp Đoàn) có 4 ha đất sỏi cát bạc màu trước đây chủ yếu trồng sắn. Trải qua nhiều vụ, đất không được cày ải nên bị chai. Sau hơn 10 năm trồng sắn, ông đã thử nhiều loại cây trồng ngắn ngày khác như đậu đen, ngô… nhưng vẫn không cho kết quả tốt. Năm 2013, ông quyết định chuyển sang trồng điều. Với lợi thế lúc bấy giờ cây giống điều rẻ (3000 đồng/cây giống), ông mua 150 cây giống trồng thử nghiệm trên diện tích 1 ha, mỗi cây trồng cách nhau 7 m. Sau 3 năm, điều bắt đầu cho thu bói được gần 1 tấn. Với giá bán năm đó khoảng 25.000 – 30.000 đồng/kg, thu nhập riêng cây điều mang lại là gần 25 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế rõ rệt từ cây điều, ông Thắng tiếp tục đầu tư trồng dần điều trên 3 ha còn lại, đến nay toàn bộ 4 ha điều của ông vừa cho thu chính, vừa thu bói đạt trung bình 2 tấn/ha/năm. Với giá bán hạt điều tươi trên thị trường là 30.000 – 40.000 đồng/kg, thu nhập của gia đình đạt gần 200 triệu đồng/năm. Ngoài trồng điều, để tận dụng những khoảng đất trống, ông còn trồng xen thêm đậu đỏ, cây ăn quả có múi đang chuẩn bị cho thu hoạch mùa đầu tiên. Ông Thắng chia sẻ, so với trồng tiêu, cà phê thì trồng điều hợp đất ở đây hơn, lại dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp mà giá cả thì khá ổn định.

Ông Lê Văn Ngại (thôn Hiệp Hòa, xã Quảng Hiệp) đã gắn bó với cây điều gần 20 năm nay và vẫn nhất định không từ bỏ cây trồng này. Năm 1998, ông Ngại bắt đầu lập nghiệp với 3 ha điều, sau 3 năm cây điều cho trái bói và thu hoạch ổn định đến nay, năng suất luôn đạt từ 2 - 3 tấn/ha/năm. Năm 2008, với lợi nhuận thu được từ cây điều, ông tích góp và mua thêm 2 ha đất trồng cao su để có thêm nguồn thu nhập. Nhận thấy cao su cho ít mủ nên năm 2015, ông Ngại quyết định chặt bỏ cao su và chuyển sang trồng điều. Cây điều chỉ cho mỗi năm 1 vụ, lại phụ thuộc vào thời tiết nên ông trồng xen canh tiêu và cà phê trong vườn. Theo ông Ngại, với cách trồng xen này, vườn điều nhà ông do được “hưởng lợi” từ phân bón, nước tưới của tiêu và cà phê nên khỏe mạnh, cho năng suất vượt trội so với các vườn điều trồng thông thường. Cách làm này mang lại thu nhập cho gia đình ông gần 300 triệu đồng/năm.

Theo Hội Nông dân xã Quảng Hiệp, cây điều rất thích hợp với vùng đất cát bạc màu ở đây. Hiện người dân có thu nhập rất khá từ việc trồng điều, nhưng do chủ yếu trồng điều hạt (điều thường) nên năng suất còn thấp. Hội cũng khuyến khích người dân sử dụng giống điều cao sản thay thế để việc canh tác điều bền vững và cho năng suất cao hơn.

Băng Châu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.