Multimedia Đọc Báo in

Nuôi vịt chạy đồng: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

09:00, 05/11/2018

Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Lắk đã tận dụng lợi thế của địa phương để chăn nuôi vịt theo hình thức chạy đồng ở vùng ruộng thấp trũng. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, nuôi vịt theo hình thức này, người chăn nuôi cũng phải đối mặt với không ít rủi ro.

Với 20 năm kinh nghiệm từ nghề nuôi vịt, hộ anh Phạm Huy Cường (thôn Liên Kết 2, xã Buôn Tría) cứ thu hoạch lúa vụ hè thu xong lại thuê ruộng của các hộ dân ở địa phương để làm nơi chăn thả vịt. Với 3.000 vịt đẻ, năm nay gia đình anh thuê 100 ha ruộng trũng trên cánh đồng Buôn Tría để thả vịt.

Anh Cường chia sẻ, cánh đồng Buôn Tría có nguồn nước nhiều nên rất thuận lợi để nuôi vịt chạy đồng. Thời gian thích hợp để nuôi vịt chạy đồng bắt đầu từ tháng 7 đến hết tháng 10 âm lịch hằng năm. Nuôi vịt theo hình thức này đỡ chi phí mua cám tổng hợp, theo tính toán, với số lượng vịt như trên nếu nuôi nhốt chuồng, mỗi ngày vịt ăn hết 11 bao cám tổng hợp, còn nuôi chạy đồng chỉ hết 3 đến 4 bao. 

Nuôi vịt chạy đồng tại cánh đồng xã Buôn Triết.
Nuôi vịt chạy đồng tại cánh đồng xã Buôn Triết.

Tương tự, hộ anh Nguyễn Hữu Phúc (thôn Buôn Tría, xã Buôn Tría) cũng có hơn 20 năm trong nghề nuôi vịt, hiện đang nuôi hơn 5.000 con vịt, trong đó 2.000 con vịt đẻ và 3.000 con vịt tơ. Do số lượng vịt lớn, năm nay anh thuê lại 300 ha đất ruộng của các hộ dân địa phương, với giá thuê 200 nghìn đồng/ha. Theo anh, nuôi vịt chạy đồng đỡ chi phí mua cám tổng hợp, trứng vịt được người dân và thương lái ưa chuộng. Tuy nhiên, vịt đẻ mà nuôi chạy đồng thì lượng trứng không ổn định, do vịt di chuyển nhiều. Do đó, khi vịt bắt đầu đẻ rộ, anh tiến hành nuôi nhốt, còn 3.000 con vịt tơ anh vẫn nuôi theo hình thức chạy đồng để tận dụng các nguồn thức ăn từ tự nhiên như lúa rụng, ốc bươu vàng…

Tại xã Buôn Triết có khoảng 900 ha ruộng thấp trũng nên nhiều hộ dân trong xã chú trọng phát triển mô hình nuôi vịt chạy đồng. Gia đình anh Lê Văn Khánh (buôn Tung 1) gắn bó với nghề chăn nuôi vịt chạy đồng từ nhiều năm nay. Theo anh tìm hiểu, chăn nuôi vịt chạy đồng tuy phải bỏ công trông coi nhiều nhưng chi phí đầu tư thấp hơn một nửa so với chăn nuôi vịt nuôi nhốt. Hơn nữa, khu vực trước nhà anh có hệ thống mương nước chảy qua và khoảng 120 – 130 ha ruộng trũng thấp, rất phù hợp để phát triển chăn nuôi vịt chạy đồng.

Anh kể, năm 2010 anh bắt tay phát triển mô hình chăn nuôi vịt chạy đồng, để bảo đảm chất lượng vịt, anh mua vịt con tại các cơ sở có uy tín trên địa bàn về tự chăm sóc, lọc giống. Hiện nay, tổng đàn vịt của gia đình anh có hơn 2.300 con vịt đẻ trứng, trung bình mỗi ngày gia đình anh thu về 1.900 trứng, được người dân và thương lái tự tìm đến thu mua mà không phải lo đầu ra. Ước tính, mỗi tháng sau khi trừ chi phí gia đình anh thu về được 20 đến 25 triệu đồng.

Anh Lê Văn Khánh (xã Buôn Triết) chăn vịt tại khu vực ruộng thuê của người dân địa phương.
Anh Lê Văn Khánh (xã Buôn Triết) chăn vịt tại khu vực ruộng thuê của người dân địa phương.

Bên cạnh những thuận lợi là tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có từ tự nhiên, chất lượng trứng cao thì chăn nuôi vịt chạy đồng luôn đối mặt với nhiều rủi ro. Thời tiết mưa nắng thất thường theo từng năm, nếu mùa lũ lớn dễ bị thất thoát vịt, khô hạn thì buộc phải sử dụng máy bơm nước từ các sông ngòi lân cận vào ruộng để chăn nuôi, nhiều khi phải nuôi cầm hòa vốn để chờ mùa sau. Đặc biệt, số lượng vịt đẻ không đều, theo kinh nghiệm của các hộ nuôi vịt trên địa bàn huyện Lắk, nếu nuôi nhốt thì số lượng vịt đẻ đạt từ 85 – 95%, còn vịt chạy đồng lúc cao nhất chỉ đạt khoảng 65%. Do đó, nếu gặp năm thời tiết không thuận lợi, nguồn nước ở các cánh đồng không ổn định thì người nuôi vịt lãi rất ít, thậm chí phải bù lỗ do phải trả chi phí thuê ruộng, nhân công, hao hụt số lượng vịt. Chưa kể, những năm gần đây dịch bệnh trên đàn gia cầm thường xuyên bùng phát khiến nhiều người chăn nuôi gặp khó, đặc biệt chăn nuôi vịt chạy đồng lại rất khó để kiểm soát dịch bệnh. Bởi chăn thả ở môi trường tự nhiên vịt rất dễ mắc bệnh do nguồn nước ô nhiễm, thức ăn không bảo đảm, thêm vào đó lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư ở đất, nước trong các vụ mùa cũng dẫn đến nguy cơ vịt bị nhiễm bệnh rất cao. Thực tế, đã có một số đàn vịt chạy đồng của người dân ở huyện Lắk và địa phương lân cận bị nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy theo quy định. Đơn cử như vào tháng 7-2017, một hộ dân ở xã Đắk Nuê đã phải tiêu hủy gần 2.000 con vịt do bị dịch bệnh, mới đây nhất 2.500 con vịt của một hộ khác ở huyện Krông Bông cũng bị tiêu hủy vì nhiễm dịch cúm AH5N6.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Lắk hiện có hơn 450 nghìn con gia cầm. 9 tháng năm 2018, toàn huyện đã triển khai tiêm phòng được 29.700 liều vắc xin H5N1 và H5N6 cho gia cầm, đồng thời phân bổ 250 lít hóa chất Benkocid để triển khai tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại.

Hoàng Tuyết – Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc