Phát triển cây bơ: Đối mặt với nhiều nỗi lo
Những năm gần đây, cây bơ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vùng Tây Nguyên, nhất là những dòng bơ chất lượng cao, trái vụ. Tuy nhiên, do lợi nhuận khá lớn nên người dân đổ xô vào trồng khiến cây bơ đối mặt với nhiều thách thức về đầu ra của sản phẩm cũng như chất lượng vườn cây.
Diện tích tăng nhanh
Đắk Lắk là vùng có diện tích trồng bơ lớn nhất vùng Tây Nguyên với 4.530 ha, tăng 222 ha so với năm 2017 và tăng khoảng gấp đôi so với năm 2016. Tổng sản lượng bơ của tỉnh năm 2018 ước đạt 38.595 tấn, tăng 3.051 tấn so với năm 2017. Tuy nhiên, nếu tính cả diện tích trồng xen trong vườn cà phê, thì tổng diện tích bơ lên đến 12.686 ha. Trong khi đó theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, đến năm 2020, toàn tỉnh có 4.000 ha bơ, trong đó có 1.000 ha sản xuất ứng dụng công nghệ cao; đến năm 2030, diện tích đạt 6.000 ha, trong đó 3.000 ha ứng dụng công nghệ cao.
Vườn bơ của anh Phan Gia Phương (giữa) ở xã Tam Giang, huyện Krông Năng cho thu nhập cao. |
Bà Nguyễn Thị Thu Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thu Nhơn cho biết, mỗi năm Công ty bao tiêu sản phẩm cho 300 hộ nông dân, với sản lượng bình quân trên 1.000 tấn bơ. Tuy nhiên, sản lượng bơ của tỉnh năm 2018 quá nhiều nên việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Ngoài số lượng bơ đạt tiêu chuẩn được đưa vào các kênh siêu thị, còn lại bơ loại 2, loại 3 thì chưa biết đưa về đâu. Còn ông Trần Thắng Lợi, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thắng Lợi (huyện Krông Năng) chia sẻ, HTX có 20 ha bơ, năng suất bình quân đạt 20 tấn/ha. Những năm trước, sản lượng bơ trên địa bàn huyện còn ít nên giá bán khá cao, đơn cử như bơ booth có giá từ 30.000-70.000 đồng/kg (tính từ đầu vụ đến cuối vụ). Riêng năm 2018, giá bơ sụt giảm nhiều do nguồn cung lớn, dao động từ 15.000-60.000 đồng/kg. Được biết, trên địa bàn huyện Krông Năng hiện có 1.100 ha bơ, năng suất bình quân đạt 10 tấn/ha. Tuy nhiên việc phát triển cây bơ trên địa bàn thời gian qua vẫn chủ yếu mang tính tự phát, chạy theo thị trường dẫn đến nguy cơ mất cân đối cung-cầu, gây thiệt hại cho người sản xuất.
Trước thực trạng diện tích bơ tăng mạnh, nhiều nông dân cũng đã sử dụng những giống bơ trái vụ hoặc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để cây bơ ra trái sớm hoặc muộn hơn. Tuy nhiên, những diện tích này hiện đã phát triển rất nhiều khiến sản lượng bơ trái vụ cũng nhiều như bơ chính vụ. Do vậy, khi vào vụ thu hoạch thường bị thương lái ép giá vì nếu không bán, bơ sẽ rụng và hư hết.
Theo ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, hiện nay nguồn cung bơ quá lớn nhưng sản phẩm theo đúng thị hiếu, nhu cầu của thị trường nước ngoài thì chưa nhiều, bởi các loại bơ được trồng tràn lan một cách tự phát. Bên cạnh đó, hệ thống thu mua, chế biến, bảo quản bơ trên địa bàn chưa phát triển nên tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc vào thương lái. Chính vì vậy, cần phải có những định hướng đúng đắn cho ngành sản xuất bơ.
Tìm đường để phát triển bền vững
Hiện Đắk Lắk mới có thương hiệu bơ Dakado được sự hỗ trợ để phát triển thị trường cũng như nâng cao năng lực doanh nghiệp từ các sở, ngành liên quan và các tổ chức nước ngoài thông qua các dự án được triển khai ở Đắk Lắk. Đến nay, trái bơ của Dakado đã có mặt tại hầu hết các hệ thống siêu thị và kênh phân phối lớn trong nước như Co.opmart, Metro, Vinmart, AEON... và xuất khẩu đi một số thị trường Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Hà Lan, Pháp... Sản lượng bơ Dakado hằng năm đạt khoảng 1.000 tấn quả tươi.
Đại diện HTX Nông nghiệp Thắng Lợi giới thiệu về giống bơ tứ quý. |
Như vậy, với tổng sản lượng bơ toàn tỉnh là 38.595 tấn thì số lượng bơ có thương hiệu chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Do đó, để sản phẩm bơ có vị thế bền vững trên thị trường cũng như mang lại thu nhập ổn định cho nông dân trồng bơ thì việc áp dụng quy trình để sản xuất ra sản phẩm bơ an toàn, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng là vấn đề hết sức quan trọng. Chính vì vậy, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản kết hợp với HTX Nông nghiệp Thắng Lợi triển khai mô hình sản xuất bơ an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại địa bàn thôn Quyết Tâm, xã Ea Tân (huyện Krông Năng), với diện tích 5 ha. Sau 5 tháng triển khai, mô hình đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp người dân thực hiện được quy trình sản xuất an toàn, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng; sản lượng đạt khoảng 110 tấn, được bán với giá ổn định. Việc triển khai thành công mô hình này đã mở ra hướng phát triển sản xuất bơ bền vững, đồng thời đưa sản phẩm bơ của Đắk Lắk đứng vững trên thị trường. Tuy nhiên, hiện HTX vẫn chưa xây dựng được bao bì, nhãn mác cho trái bơ VietGAP nên sản phẩm vẫn chưa vào được siêu thị và các hệ thống của hàng thực phẩm sạch.
Để tìm kiếm thị trường cho trái bơ, theo ông Huỳnh Quốc Thích, tỉnh cũng đang nỗ lực giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh kết nối thương mại đến các thị trường trong nước có thu nhập cao như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội… Tuy nhiên, ngoài sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp cũng cần tích cực hơn nữa trong việc tìm đầu ra ổn định.
Theo Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cần bố trí cơ cấu giống rải vụ để bảo đảm kéo dài thời gian cung cấp sản phẩm ra thị trường. Đồng thời, lưu ý tính phù hợp với từng vùng sinh thái và vấn đề sâu bệnh hại trên cây bơ. Người sản xuất cần ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học và tuân thủ chặt chẽ quy trình sử dụng thuốc hóa học trong phòng trừ sâu bệnh hại để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Ý kiến bạn đọc