Phát triển chuỗi giá trị sản xuất: Nhiều "nút thắt" cần tháo gỡ (Kỳ 1)
Thực hiện sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm là hướng đi tất yếu nhằm hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, thu nhập cho nông dân và lợi nhuận cho người kinh doanh.
Đây cũng là mục tiêu của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, để chuỗi sản xuất được hoàn thiện và gia tăng giá trị chuỗi thì vẫn còn nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ.
Kỳ 1: Chuỗi giá trị sản xuất: Cơ bản đã được hình thành
Những năm gần đây, việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm, với nhiều chính sách hỗ trợ được ban hành. Điều này đã góp phần giúp các mô hình chuỗi được định hình rõ nét và hoàn thiện hơn.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị nhằm mục tiêu các sản phẩm sản xuất ra phải được kiểm soát các yếu tố an toàn trong suốt công đoạn của chuỗi, giúp truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đánh giá được nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm (ATTP). Trên cơ sở đó, tỉnh Đắk Lắk cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản. Đặc biệt là Quyết định số 2662/QĐ-UBND ngày 26-9-2017 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2025. Các chi cục trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tham mưu ban hành nhiều văn bản hướng dẫn địa phương triển khai và thực hiện sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chất lượng, an toàn, định kỳ kiểm tra, đánh giá, xếp loại. Bên cạnh đó, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng đã xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Nông dân xã Ea Tyh (huyện Ea Kar) thu hoạch vải. |
Ngành nông nghiệp của tỉnh đã tăng cường công tác thông tin truyền thông, triển khai lựa chọn các cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời định hướng cho một số doanh nghiệp mở các điểm bán các sản phẩm nông sản an toàn để người dân lựa chọn. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 22 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên các loại sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi, dự kiến cuối năm 2018 sẽ tăng lên khoảng 30 cơ sở; có 70 HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp các mặt hàng nông sản như: cà phê, ca cao, rau, lúa, nấm...; 342 trang trại chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp Công ty Cổ phần C.P Việt Nam theo hình thức nuôi gia công (gồm 247 trang trại heo và 95 trang trại gà).
Các mô hình chuỗi phát huy hiệu quả
Một trong những mô hình chuỗi phát huy hiệu quả phải kể đến các HTX nông nghiệp. Đơn cử như HTX nông nghiệp Mắc ca Tân Định (xã Đliê Ya, huyện Krông Năng) với 57 thành viên, có tổng diện tích 320 ha, năm 2018 sản lượng ước đạt 140 tấn. Bên cạnh bán thô, HTX đã nghiên cứu, chế tạo dây chuyền chế biến mắc ca với công suất 6 tấn/năm. Ngoài ra HTX còn sản xuất tinh dầu, rượu và một số sản phẩm khác từ mắc ca nhằm tăng thêm giá trị kinh tế của loại cây này. Ông Đinh Công Định, Giám đốc HTX cho biết, HTX đã được các cấp, ngành quan tâm, hỗ trợ trong việc thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP, đặc biệt, sản phẩm của đơn vị đã được cấp quyền sở hữu công nghiệp cho nhãn hiệu tập thể “Mắc ca Chiến Thắng”. Đây là lợi thế lớn cho sản phẩm mắc ca của HTX trong việc cung ứng ra thị trường sản phẩm bảo đảm ATTP, truy xuất được nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
Trong năm 2018 và những năm tiếp theo, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, bảo đảm các mục tiêu đặt ra đến năm 2025, các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn sẽ được sản xuất theo chuỗi an toàn - Ông Trần Ngọc Thanh, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản. |
Tương tự, với mong muốn xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả có uy tín, thương hiệu và đạt tiêu chuẩn cao , năm 2013, Hợp tác xã Nông nghiệp thương mại - Dịch vụ - Vận tải Thành Công (HTX Thành Công) ở xã Cư Elang, huyện Ea Kar được thành lập với 19 thành viên. Để mở rộng quy mô sản xuất, HTX đã liên kết với 80 hộ trồng cây có múi trên địa bàn, nâng tổng diện tích lên 500 ha. Nhận thấy tiềm năng phát triển của HTX, Liên minh HTX Việt Nam đã chọn làm mô hình thí điểm hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Theo đó, HTX tiến hành sản xuất theo quy trình VietGAP trên tổng diện tích 7,8 ha cho 8 hộ thành viên dưới sự hướng dẫn của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, giúp sản phẩm cam, quýt, bưởi đạt chất lượng theo tiêu chuẩn đề ra. Sau 4 năm hoạt động, HTX đã được cấp Giấy chứng nhận “Sản xuất cam, quýt, bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP”.
Mô hình phát triển cây ăn trái trên địa bàn xã Ea Ô (huyện Ea Kar). |
Ngoài ra, còn có rất nhiều HTX thực hiện thành công mô hình chuỗi liên kết sản xuất để cung ứng cho thị trường những sản phẩm an toàn, chất lượng như: HTX nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết (huyện Cư M’gar), HTX Dịch vụ nông nghiệp Ea Kmát (Krông Pắc), HTX sản xuất nông nghiệp - thương mại - dịch vụ Minh Toàn Lợi (Krông Năng) về lĩnh vực cà phê; HTX nông nghiệp 714 (Ea Kar) thì sản xuất chanh dây gắn kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (huyện Krông Bông) gắn với chuỗi của mía đường, sản xuất tập trung mía giống (15 ha)…
(Còn nữa)
Minh Thuận – Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc