Phát triển chuỗi giá trị sản xuất: Nhiều "nút thắt" cần tháo gỡ (Kỳ 2)
Kỳ 2: Thiếu doanh nghiệp "đỡ đầu"*
Tuy một số chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh bước đầu đã được định hình nhưng so với tiềm năng và nhu cầu thực tế thì còn ít, nhỏ lẻ vì chủ thể của chuỗi vẫn “tự bơi” là chính.
Chủ yếu là tự lực cánh sinh
Trên thực tế, mô hình sản xuất theo chuỗi trên địa bàn tỉnh vẫn còn thiếu khâu quan trọng nhất là sự tham gia của doanh nghiệp. Hiện chỉ có vài doanh nghiệp liên kết với HTX để sản xuất theo chuỗi như Công ty TNHH DakMan Việt Nam liên kết được khoảng 10 HTX; Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk cũng đã liên kết với một số HTX để thực hiện sản xuất theo chuỗi ở lĩnh vực cà phê, mía đường… Những liên kết chuỗi này được thực hiện rất tốt nhưng chưa nhiều bởi việc đầu tư vào nông nghiệp còn nhiều rủi ro nên phần lớn các doanh nghiệp không mặn mà hoặc chưa đủ mạnh để “đỡ đầu”. Chính vì vậy, phần lớn các mô hình chuỗi đang hình thành vẫn phải tự xoay xở để làm thay luôn khâu cuối cùng là đưa sản phẩm ra thị trường.
Thương hiệu Bơ Dakado được giới thiệu tại hội thảo về kết nối thương mại trên địa bàn tỉnh. |
Ông Phan Đình Xuân, Giám đốc HTX Nông nghiệp – Dịch vụ thương mại Hợp Nhất (thôn 8, xã Ea Ô, huyện Ea Kar) cho hay, sau nhiều năm sản xuất nhỏ lẻ, độc lập, năm 2007, ông đã đứng ra liên kết 12 nông hộ cùng sản xuất rau, củ, quả trên địa bàn để thành lập HTX. Mặc dù quy mô còn nhỏ nhưng đã hướng đến sản xuất theo hình thức liên kết chuỗi từ khâu trồng, chăm sóc, hỗ trợ kỹ thuật, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Cũng chính vì theo đuổi hướng đi này, hiện HTX đang gặp rất nhiều khó khăn. Việc tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nhằm bảo đảm sản phẩm an toàn khiến các xã viên vất vả hơn trong khâu chăm sóc, tốn kém chi phí đầu tư nhưng sản phẩm khó cạnh tranh hơn vì giá thành cao. Hơn nữa, tuy cũng được chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ giới thiệu sản phẩm tại các hội nghị, hội chợ, hội thảo, triển lãm nhưng do quy mô HTX còn nhỏ, tiếp cận nguồn vốn vay còn nhiều khó khăn nên các xã viên “tự bơi” là chính. “Trong thời đại công nghệ 4.0 đòi hỏi rất cao về vấn đề quản lý HTX và phải hoạt động theo Luật HTX năm 2012 nhưng đây chỉ là một HTX nông nghiệp do nông dân thành lập nên còn nhiều bỡ ngỡ, chủ yếu là sản xuất sản phẩm được chứng nhận đạt chất lượng an toàn thực phẩm. Việc mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm đơn đặt hàng, thị trường tiêu thụ rất khó khăn, năm 2017 HTX chủ yếu lấy thu bù chi”, ông Xuân trần tình.
HTX Nông nghiệp – Dịch vụ thương mại Hợp Nhất (thôn 8, xã Ea Ô, huyện Ea Kar) trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại hội chợ cây ăn trái trên địa bàn huyện Ea Kar. |
Hiện nhiều doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh đang gặp những khó khăn tương tự do thiếu vốn, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không đủ lực đầu tư về máy móc, dây chuyền công nghệ chế biến sản phẩm, chưa bảo đảm các điều kiện về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, không nắm bắt kịp thời thông tin thị trường dẫn đến cung vượt cầu...
Loay hoay kết nối thương mại
Một trong những vướng mắc lớn nhất trong chuỗi sản xuất là thị trường tiêu thụ. Nguyên nhân chủ yếu là các cơ sở xuất nông sản phát triển tự phát, quy mô gia đình, làm theo kinh nghiệm truyền thống, chưa theo nhu cầu thị trường. Ông Trương Phú Định, Giám đốc HTX Thành Công cho biết: “Hiện nay mỗi héc - ta trồng cây ăn quả của các thành viên đạt sản lượng trung bình khoảng 50 – 60 tấn/năm nên tổng sản lượng hằng năm của HTX rất lớn. Trong khi đó việc tiêu thụ sản phẩm chỉ nhỏ lẻ thông qua thương lái là chính nên rất khó khăn, bấp bênh về đầu ra. Việc kết nối thương mại, tìm một doanh nghiệp đủ mạnh để đưa sản phẩm ra thị trường một cách ổn định, bền vững hiện đang là bài toán khó của HTX”.
Để giải quyết bài toán đầu ra, nông dân, các đơn vị sản xuất cần mạnh dạn liên kết với nhau và liên kết với các doanh nghiệp vệ tinh, các kênh phân phối hiện đại như cửa hàng tiện ích, siêu thị để sản phẩm của mình được tiêu thụ dễ dàng, ổn định hơn và nâng cao giá trị gia tăng”.
Cục Trưởng Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nguyễn Như Tiệp
|
Đối với HTX Nông nghiệp Mắc ca Tân Định thì giá bán các sản phẩm thực phẩm an toàn cao trong khi việc nhận diện sản phẩm an toàn và không an toàn còn khó khăn đã gây nhiều trở ngại cho đơn vị trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Bích Hiền, thành viên HTX cho hay, tuy mới vào đầu mùa nhưng trên thị trường có rất nhiều loại hạt mắc ca trong đó có cả sản phẩm của Trung Quốc được đóng thành bao lớn, một số tiểu thương mua về, trộn với sản phẩm trong nước và làm giả nhãn hiệu mắc ca Đắk Lắk nhưng không rõ địa chỉ, nơi sản xuất, thông tin sản phẩm rồi đem ra tiêu thụ với giá thấp hơn, cạnh tranh với hạt mắc ca được chứng nhận. Thêm vào đó, một số người dân trồng tự phát thường thu hoạch khi hạt mắc ca còn non, sấy thủ công, không đủ độ, hạt nhanh bị xuống dầu nên phải bán vội với giá thấp hơn. Những điều này đã gây khó khăn cho người tiêu dùng khi phân biệt để chọn mua và cả hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX làm ăn chân chính.
Có thể thấy, trong xu thế chung hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác đã dành sự quan tâm lớn đến vấn đề chất lượng, sản xuất theo chuỗi từ chọn cây giống đầu dòng, tuân thủ kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, đóng gói theo tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm nhưng việc kết nối thương mại để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm đang là vấn đề làm “đau đầu” các đơn vị, doanh nghiệp.
(Còn nữa)
Minh Thuận - Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc