Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường thúc đẩy mối quan hệ hợp tác vì sự phát triển bền vững

15:55, 17/11/2018

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Đắk Lắk ngày 7-11, bà BEATRICE MASER MALLOR, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam đã có một số hoạt động tại địa phương, trong đó lĩnh vực được bà đặc biệt quan tâm là vấn đề hợp tác phát triển cà phê bền vững. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trò chuyện với bà liên quan đến vấn đề này.

°Được biết đây là lần thứ 2 bà đến Đắk Lắk, vậy điều gì của địa phương ấn tượng đối với bà?

- Mảnh đất này có sức hút đầu tiên đối với tôi đó là bởi màu xanh của cây cối và không khí thực sự rất trong lành, mát mẻ. Đặc biệt, thành phố Buôn Ma Thuột còn rất … thơm hương cà phê. Tôi cũng có buổi làm việc với UBND tỉnh, thực sự ấn tượng với tiềm năng cũng như sự phát triển của ngành Nông nghiệp địa phương. Tôi lại là người rất yêu cà phê, nên đây là cơ hội để tôi đến thăm và làm việc với Văn phòng đại diện Nestlé khu vực Tây Nguyên, thăm quan mô hình của dự án Nescafé Plan để hiểu thêm về các hoạt động hợp tác trong sản xuất cà phê bền vững ở Đắk Lắk cũng như trong khu vực.

Bà Beatrice Maser Mallor, Đại sứ Thụy Sĩ đến thăm và làm việc tại Công ty TNHH Viết Hiền.
Bà Beatrice Maser Mallor, Đại sứ Thụy Sĩ đến thăm và làm việc tại Công ty TNHH Viết Hiền.

°Bà đã có một vài trải nghiệm khá thú vị cùng với nông dân Đắk Lắk, xin bà chia sẻ đôi điều về  suy nghĩ của mình?

- Trải nghiệm thú vị nhất trong chuyến đi này đó là tôi được đi hái cà phê cùng với nông dân ở huyện Cư Kuin. Đây là trải nghiệm mới mẻ và rất tuyệt vời đối với tôi. Trước khi đến với trải nghiệm này, tôi chỉ biết cà phê là một loại chất lỏng đậm đặc màu nâu, có mùi thơm rất quyến rũ, và chúng tôi chỉ biết thưởng thức nó. Thế nhưng qua việc tự tay mình hái những hạt cà phê, tôi đã biết được cả một câu chuyện về quá trình chăm sóc, thu hái cà phê.  Tôi còn biết thêm về kỹ thuật chế biến để tạo ra những hạt cà phê thơm ngon, người nông dân phải thu hái những quả cà phê chín đỏ. Tôi cũng cảm nhận được những vất vả của người trồng cà phê khi họ phải thu hái bằng tay… Nếu không có trải nghiệm này, tôi không thể cảm nhận được sự vất vả của người nông dân trong trồng cà phê để từ đó chế biến thành những ly cà phê thơm ngon, quyến rũ mà chúng tôi vẫn thưởng thức hằng ngày.

°Cà phê là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Đắk Lắk, sự hợp tác giữa doanh nghiệp Thụy Sĩ với địa phương trong lĩnh vực này cũng đạt nhiều kết quả, xin bà cho biết những khuyến nghị của mình sau chuyến thăm và làm việc tại địa phương?

Bà Beatrice Maser Mallor, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam trải nghiệm hái cà phê cùng nông dân ở huyện Cư Kuin.
Bà Beatrice Maser Mallor, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam trải nghiệm hái cà phê cùng nông dân ở huyện Cư Kuin.

- Trong chuyến thăm lần này, tôi có cơ hội được tiếp cận, tìm hiểu sâu hơn về ngành cà phê, và được biết về mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực cà phê giữa Nestlé và Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI). Chỉ trong 1 ngày làm việc nhưng kiến thức về cà phê của tôi đã được cải thiện rất nhiều. Tôi được đi thực tế tại vườn cà phê lần đầu tiên nhìn thấy cả hoa, và quả cà phê tươi, tự tay mình hái những quả cà phê chín đỏ cùng với người nông dân. Làm việc với WASI, tôi đã hiểu rõ hơn về những kết quả hợp tác giữa Công ty Nestlé Việt Nam và WASI trong thực hiện chương trình phát triển cà phê bền vững tại Việt Nam. Câu chuyện về phát triển cà phê bền vững ở Đắk Lắk nói riêng, Việt Nam nói chung cũng nằm trong câu chuyện phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường mà Chính phủ Thụy Sĩ quan tâm. Chính vì vậy, tôi cũng mong muốn sự hợp tác này được tăng cường hơn nữa giữa địa phương, tổ chức với doanh nghiệp, góp phần cải thiện điều kiện môi trường, kinh tế và xã hội của nông dân. Làm việc tại Công ty TNHH Viết Hiền về khảo sát công nghệ nhiệt phân thuộc Dự án “Giảm thiểu chất thải công nghiệp vì một nền sản xuất Cacbon thấp” do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ tài trợ thông qua Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) với mục tiêu chung là cải thiện môi trường địa phương, giảm phát thải khí nhà kính và mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, tôi thực sự đánh giá cao hiệu quả của công nghệ này được ứng dụng tại Việt Nam, đặc biệt trong ngành sản xuất cà phê. Nó đã góp phần làm giảm lượng khí thải nhà kính, tăng hiệu quả sử dụng điện, giảm sử dụng nước trong ngành chế biến cà phê. Việt Nam là một trong những nước ưu tiên trong chương trình hợp tác kinh tế của Chính phủ Thụy Sĩ và sẽ tiếp tục có những chương trình hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí thải và những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

°Xin cảm ơn bà!

Lê Hương (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.