Multimedia Đọc Báo in

Tín hiệu tích cực từ Dự án giảm nghèo ở Nam Ka

07:58, 22/11/2018

Qua 3 năm triển khai thực hiện, các Tiểu dự án sinh kế (còn gọi là nhóm LEG) thuộc Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên ở xã Nam Ka (huyện Lắk) đã cho thấy những kết quả khả quan, giúp người dân từng bước cải thiện cuộc sống...

Dẫn chúng tôi đi thăm nhóm LEG nuôi bò sinh sản của buôn Lách Ló, trưởng nhóm LEG Y Krang Niê cho biết, tháng 11-2015, 11 hộ tại buôn Lách Ló được Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ 11 con bò giống với mức khoảng 22 triệu đồng/con. Không chỉ hỗ trợ bò, Dự án còn hỗ trợ vật tư làm chuồng trại, giống cỏ, thức ăn tinh bột… Đến nay, đàn bò phát triển tốt, không đau ốm, sinh sản đều. Từ 11 con bò được hỗ trợ ban đầu, nhóm đã phát triển lên 30 con. Theo ông Y Krang Niê, buôn Lách Ló có đồng cỏ tự nhiên rộng là lợi thế giúp người dân chăn thả bò dễ dàng. Đây được xem là mô hình phù hợp, tạo thu nhập khá cho người dân trong buôn.

Anh Y Chông Kjiê (buôn Knia, xã Nam Ka) chăm sóc đàn heo rừng lai của gia đình.
Anh Y Chông Kjiê (buôn Knia, xã Nam Ka) chăm sóc đàn heo rừng lai của gia đình.

 

Từ những hiệu quả đạt được, năm 2018, xã Nam Ka triển khai thêm 2 nhóm LEG nuôi heo rừng lai cho 30 hộ, 4 nhóm LEG nuôi dê cho 40 hộ, 1 nhóm LEG trồng lúa nước cho 17 hộ và 5 nhóm LEG trồng ngô cho 56 hộ dân.

Cũng như nhóm nuôi bò, nhóm LEG nuôi heo rừng lai của 15 hộ ở buôn Knia bước đầu cũng đem lại hiệu quả cao. Với sự hỗ trợ ban đầu của Dự án, các hộ đã tập trung chăm sóc, từ 30 con ban đầu đến nay đã phát triển hơn 50 con. Với giống heo rừng lai có chất lượng thịt thơm ngon, các hộ gia đình bán giá cao hơn so với lợn thường khoảng 1,5 triệu đồng/con. Từ tiền bán heo, nhiều hộ tiếp tục đầu tư chăn nuôi, dần dần cải thiện đời sống. Anh Y Chông Kjiê, nhóm trưởng nhóm LEG nuôi heo rừng lai hồ hởi khoe: “Tôi nhận một cặp heo giống vào cuối năm 2017, nay heo đã đẻ 2 lứa, lứa đầu đẻ được 3 con, lứa sau 6 con, sau 6 tháng là xuất chuồng. Một năm nuôi 2 lứa, sau khi trừ chi phí thu lãi hơn 10 triệu đồng”.

Bên cạnh việc xây dựng các nhóm LEG chăn nuôi, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên cũng hỗ trợ giống lúa nước, phân bón bước đầu, giúp 16 nhóm với 208 hộ dân trên địa bàn xã Nam Ka phát triển cây lúa nước. Ngoài ra, Dự án còn tổ chức tập huấn cho bà con về các hoạt động dinh dưỡng, cụ thể như hướng dẫn cách chế biến thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng, cách đo chiều cao, cân nặng cho trẻ, cách giữ gìn vệ sinh sạch sẽ...

Đồng cỏ rộng lớn ở buôn Lách Ló (xã Nam Ka) giúp nhóm LEG nuôi bò lai tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên.
Đồng cỏ rộng lớn ở buôn Lách Ló (xã Nam Ka) giúp nhóm LEG nuôi bò lai tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên.

Ông Đào Quang Long, Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng Ban phát triển Dự án xã Nam Ka cho biết, triển khai thực hiện Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, xã đã thành lập được 36 nhóm sinh kế tại 7 thôn, buôn, chủ yếu về chăn nuôi bò, dê, heo rừng lai, trồng lúa, ngô… Từ năm 2015 đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư của Dự án là khoảng hơn 3,5 tỷ đồng. "Với phương châm không cho “con cá” mà hỗ trợ “cần câu” và hướng dẫn cách “câu cá”, Dự án đã giúp người dân có ý thức trách nhiệm hơn đối với mô hình mà mình tham gia, coi đó là cơ hội, là đòn bẩy để vươn lên thoát nghèo, góp phần quan trọng để mô hình thành công" - ông Đào Quang Long nhận xét.

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.