Multimedia Đọc Báo in

Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm vào sản xuất: Sự lựa chọn của nhiều nhà nông

10:44, 27/11/2018

Trước tình hình biến đổi khí hậu, nhiều địa phương trong tỉnh gặp khó khăn về cung cấp nước tưới cho cây trồng. Theo đó, các loại hình tưới nước tiết kiệm như tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa… đã được nhiều nông dân chọn lựa để ứng dụng vào sản xuất.

Nhận thấy phương pháp tưới nước truyền thống vừa tốn kém lại lãng phí nước nên ông Đinh Công Định, Giám đốc HTX Nông nghiệp Mắc ca Tân Định (xã Đliê Ya, huyện Krông Năng) đã quyết định đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp với kỹ thuật bón phân hợp lý cho 100 ha hồ tiêu của HTX. Theo ông, trước đây mỗi khi vào vụ tưới, với diện tích trên 100 ha, HTX cần 20-30 người để kéo ống, rải ống, dựng béc tưới, đến khi tưới xong cũng phải mất chừng ấy nhân công để thu gom, cuộn ống lại. Từ khi lắp hệ thống tưới tiết kiệm thì chỉ cần 1 nhân công bật công tắc cho hệ thống. Đặc biệt, hệ thống tự động này không chỉ phục vụ tưới nước mà còn dùng để bón phân cho cây trồng, phân bón được hòa tan trong một bể chứa và theo hệ thống ống dẫn tưới vào gốc cây. Trước kia tưới bằng tay lượng nước, phân bón bị thất thoát rất nhiều, còn bây giờ vườn cây không chỉ được bón phân tưới nước hợp lý mà còn tiết kiệm được rất nhiều thứ, hiệu quả kinh tế mang lại rất cao.

Cán bộ khuyến nông huyện Krông Năng trao đổi với anh Phan Gia Phương về hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cây sầu riêng.
Cán bộ khuyến nông huyện Krông Năng trao đổi với anh Phan Gia Phương về hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cây sầu riêng.

Tương tự, hộ anh Phan Gia Phương (xã Tam Giang, huyện Krông Năng) cũng đã mạnh dạn đầu tư 25 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm cho 1,2 ha trồng sầu riêng. Anh cho biết, trước tình hình biến đổi khí hậu hiện nay thì mọi cây trồng đều có khả năng bị thiếu nước, nhất là các loại cây trồng lâu năm. Riêng với cây sầu riêng, một đặc điểm khác biệt là cây cần nước trong suốt chu kỳ phát triển nhưng chỉ cần vừa đủ, nhiều hay ít quá đều không được. Do đó, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm là biện pháp hữu hiệu, đáp ứng được nhu cầu sinh lý của cây. Từ khi lắp hệ thống này, ngoài việc tiết kiệm được nước, anh còn chủ động được công, tiết kiệm được hơn 10 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, các mô hình tưới tiết kiệm trên cây cà phê cũng được nông dân áp dụng rộng rãi. Đơn cử như gia đình ông Lương Giáp Hà, ở thôn 6a (xã Ea Wy, huyện Ea H’leo) có 4,5 ha cà phê trồng xen hồ tiêu, những năm trước cứ vào mùa khô là lại bị khô hạn do thiếu nước tưới. Năm 2015, được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của huyện, gia đình ông Hà đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt trị giá 90 triệu đồng đủ tưới cho toàn bộ diện tích cà phê và tiêu. Phương pháp này có lợi hơn nhiều so cách tưới truyền thống, bởi với 1 ha cà phê hoặc tiêu thì chỉ cần một người là có thể vừa bơm nước vừa bón phân; mỗi lần chỉ tốn 4 lít dầu cho máy nổ thay vì 24 lít dầu như trước đây, đồng thời, tiết kiệm được 50% lượng nước tưới và 20% lượng phân bón. Theo tính toán của ông Hà, mỗi một vụ tưới, gia đình ông đã tiết kiệm được 35 triệu đồng tiền dầu và phân bón so với cách tưới truyền thống.

Hệ thống tưới tiết kiệm được anh Phan Gia Phương lắp đặt cho vườn sầu riêng.
Hệ thống tưới tiết kiệm được anh Phan Gia Phương lắp đặt cho vườn sầu riêng.

Hiện nay, tình hình hạn hán diễn ra khá phức tạp, không chỉ vào mùa khô mà ngay cả mùa mưa nhiều địa phương vẫn xảy ra hạn cục bộ nên việc áp dụng tưới tiết kiệm nước là giải pháp rất cần thiết cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trước hết là để tiết kiệm tối đa lượng nước (trên 50% lượng nước tưới), đồng thời chủ động phòng, chống khô hạn cho cây trồng. Ngoài ra, còn giúp cây ra hoa tập trung, tăng năng suất và giảm đáng kể chi phí sản xuất, đỡ vất vả cho người nông dân trong quá trình chăm sóc. Theo số liệu của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh có trên 204.000 ha cà phê, hơn 38.000 ha tiêu và 26.517 ha cây ăn trái (trồng thuần và trồng xen). Diện tích cây lâu năm hiện được người dân áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm tăng đáng kể so với những năm trước. Riêng các vườn trồng thuần cây ăn trái, phần lớn đều được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. Các huyện áp dụng nhiều nhất là Ea H’leo, Krông Ana, Krông Pắc và Cư M’gar.

Lợi ích từ hệ thống tưới nước mang lại khá cao, tuy nhiên vẫn có một số hạn chế như chi phí đầu tư ban đầu cao, tuổi thọ ngắn… khiến nhiều hộ dân vẫn còn e ngại tiếp cận. Do đó, để giúp người dân tiếp cận mô hình tưới nước tiết kiệm, cơ quan chuyên môn cần phối hợp với các địa phương tuyên truyền sâu rộng đến người dân và triển khai các mô hình trình diễn, đồng thời phối hợp với các ngân hàng giúp người dân vay vốn đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm...

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.