Multimedia Đọc Báo in

Cần sớm có kế hoạch cụ thể đối với hoạt động nuôi chim yến

09:33, 03/12/2018

Trong 3 năm qua, việc nuôi chim yến trong nhà phát triển rầm rộ tại TP. Buôn Ma Thuột. Theo thống kê sơ bộ, trong những năm 2016 – 2018, trên địa bàn thành phố tăng đến 70 cơ sở nuôi chim yến (2016: 15 cơ sở; 2017: 29 cơ sở; 2018: 26 cơ sở), đưa tổng số cơ sở nuôi chim yến từ 2009 đến nay lên đến 98 cơ sở do 97 hộ quản lý tại 19/21 phường, xã; trong đó, số cơ sở chim yến nuôi trong khu dân cư chiếm đến 72%.

Các cơ sở nuôi chim yến tập trung nhiều tại các địa bàn: phường Tân An (11 cơ sở), phường Ea Tam (8 cơ sở), phường Tân Lợi (7 cơ sở), xã Cư Êbur (10 cơ sở) và xã Ea Tu (9 cơ sở)…

Dễ hiểu vì sao nhiều cơ sở nuôi chim yến thời gian qua phát triển nhanh đến “chóng mặt” như vậy. Hiện tại không có mô hình sản xuất nông nghiệp nào nhàn hạ, không tốn chi phí thức ăn, chăm sóc mà lại cho thu nhập rất cao như nuôi yến. Thức ăn, nước uống của chim yến là côn trùng ngoài tự nhiên ở trên cao và nguồn sương trời nên chỉ cần tận dụng tầng cao của ngôi nhà trong thành phố, ứng dụng công nghệ dẫn dụ đúng âm thanh và tần số, hiểu biết một chút về đặc tính sinh học thì có thể dẫn dụ yến vào nuôi và thu hoạch tổ yến lâu dài ổn định.

Khảo sát sơ bộ một số hộ nuôi yến trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, khi xây dựng nhà nuôi yến diện tích khoảng 160 m2, qua 3 năm gây đàn, mỗi năm tiếp theo thu hoạch được 25 - 30 kg tổ yến, với giá bán 22 - 25 triệu đồng/kg thì thu nhập tương đương 550 - 750 triệu đồng/năm, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với sản xuất các sản phẩm nông nghiệp khác tại địa phương. Mặc dù số cơ sở nuôi chim yến thời gian qua phát triển rất nhanh, nhưng vì sản phẩm yến không chỉ làm thực dưỡng mà còn phục vụ cho các ngành công nghiệp mỹ phẩm và dược phẩm nên “cung” vẫn chưa đáp ứng đủ “cầu”. Sản phẩm yến hiện mới chỉ đáp ứng nhu cầu các gia đình có điều kiện ở trong và ngoài nước.

Một cơ sở nuôi chim yến tại xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột.
Một cơ sở nuôi chim yến tại xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột.

Theo dõi tốc độ phát triển cơ sở nuôi chim yến tại TP. Buôn Ma Thuột có thể thấy phong trào nuôi loại chim này phát triển nhanh nhất là sau khi Bộ NN-PTNT ban hành Quyết định số 2655/QĐ-BNN-PC, có hiệu lực từ đầu tháng 7-2016, trong đó đã bãi bỏ điều 3 của Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT về “quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến”. Điều này đồng nghĩa với việc chủ cơ sở nuôi chim yến không phải khai báo với Phòng Kinh tế thành phố hoặc Phòng Nông nghiệp các huyện, thị và không phải xin phép sự đồng ý bằng văn bản của UBND thành phố, huyện, thị xã. Đây cũng là điều kiện để nhiều cơ sở nuôi chim yến “thầm lặng” phát triển trên những ngôi nhà cao tầng trong TP. Buôn Ma Thuột và các huyện, thị của tỉnh.

Với sự ồ ạt phát triển các cơ sở nuôi chim yến, bên cạnh mặt tích cực là góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, thì vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập trong công tác quản lý của chính quyền địa phương khi chưa có định hướng, kế hoạch cụ thể trong việc phát triển nghề này. Những rủi ro (thất bại) cũng có thể xảy ra đối với người dân khi đầu tư xây dựng nhà nuôi chim yến không đúng khoa học kỹ thuật; không phối hợp với nhà quản lý, nhà chuyên môn… nên khó khai thác tiềm năng năng suất và chất lượng tổ yến để gia tăng giá trị sản phẩm, xây dựng chứng nhận hay thương hiệu để kết nối đầu ra ổn định cho sản phẩm yến của địa phương. Chưa kể nhiều cơ sở nuôi chim yến xây dựng trong khu dân cư làm ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống những hộ dân xung quanh do tiếng ồn của thiết bị công nghệ dẫn dụ chim và phân chim thải ra. Người dân cũng không yên tâm khi đầu tư xây dựng cơ sở nuôi chim yến xa khu dân cư khi chưa có chủ trương cho phép của nhà nước.

Một cơ sở nuôi chim yến đang xây dựng tại tổ dân phố 4, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột.
Một cơ sở nuôi chim yến đang xây dựng tại tổ dân phố 4, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột.

Thiết nghĩ, nuôi chim yến cũng có thể xem là mô hình ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp để gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp Đắk Lắk. Vì thế, để duy trì, ổn định các cơ sở nuôi chim yến hiện có, đưa các cơ sở hoạt động theo quy định hiện hành, từng bước phát triển nghề nuôi chim yến có thương hiệu sản phẩm đặc trưng, các cơ quan quản lý của tỉnh cần sớm ban hành kế hoạch cụ thể cho từng địa bàn phát triển nuôi chim yến (được quy định tại khoản 1, điều 8, Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT). Cần lồng ghép các quy định hiện hành liên quan đến quy mô diện tích xây dựng nhà nuôi chim yến (theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường) để nhân dân yên tâm xây dựng phát triển nghề nuôi chim yến đúng quy định và mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương.

Cần quy hoạch vùng nuôi chim yến phù hợp cho từng địa phương trên cơ sở rà soát, nghiên cứu, phân tích, đánh giá sự thích hợp từ các chuyên gia, các nhà khoa học và cơ quan chuyên môn. Hướng dẫn cụ thể và phân cấp quản lý về hoạt động nuôi chim yến cũng như kiểm tra, đánh giá, xử lý vi phạm…

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc