Chấn chỉnh hoạt động đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn
Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ bảy HĐND tỉnh khóa IX, các đại biểu đã tiến hành phiên giám sát chuyên đề về tình hình đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Qua đó những “căn bệnh” trong hoạt động đầu tư công đã được thẳng thắn chỉ ra...
“Bắt bệnh” hoạt động đầu tư công
Theo báo cáo kết quả giám sát về tình hình đầu tư công trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2017, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách tỉnh quản lý huy động được gần 9.186 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ và bổ sung cân đối. Ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư trực tiếp, các đơn vị đã tổ chức lồng ghép đầu tư từ nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án có cùng mục tiêu, đối tượng đầu tư; huy động sự tham gia của người dân vào việc đầu tư các dự án, công trình trên địa bàn. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách cấp huyện quản lý huy động được trên 1.568 tỷ đồng (không tính các huyện Krông Pắc, Ea Kar, Ea Súp do không có báo cáo), trong đó nhiều địa phương đã huy động được nguồn đóng góp của nhân dân để đầu tư cơ sở hạ tầng, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Thi công Đường Hồ Chí Minh, tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ đoạn qua xã Ea Ngai. Ảnh: H.Tuyết |
Cơ cấu phân bổ vốn đầu tư của tỉnh đã có sự ưu tiên cho một số ngành để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như nông nghiệp nông thôn (17,97%), giáo dục và đào tạo (14,32%), hạ tầng đô thị (13,71%), giao thông (13,6%)... Việc phân bổ vốn theo địa bàn đã có sự chú ý đến các huyện đặc biệt khó khăn để từng bước giảm nghèo và các địa phương có khả năng phát triển để tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh. Nhiều công trình được đầu tư, phát huy hiệu quả đã góp phần cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân.
“Chúng ta cần tránh tình trạng “xin - cho”. Nhiều địa phương tranh thủ “xin” nhưng nếu “cho” không dựa trên sự cân nhắc, xác định rõ mục tiêu ưu tiên thì hiệu quả chắc chắn mang lại sẽ không cao...”
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biêr Niê
|
Bên cạnh những kết quả đạt được, những “căn bệnh” nan y như đội vốn, chậm tiến độ, thất thoát, lãng phí... trong hoạt động đầu tư công của tỉnh cũng đã được thẳng thắn chỉ rõ. Nổi cộm là công tác lập kế hoạch phân bổ vốn đầu tư còn chậm, hiệu quả chưa cao, một số nguồn vốn phân bổ chậm. Các công trình mang tính kết nối giữa các vùng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa xác định rõ mục tiêu ưu tiên trong kế hoạch đầu tư nên một số mục tiêu quan trọng của tỉnh đến nay chưa thực hiện được.
Việc rà soát các dự án để đăng ký sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương còn một số dự án đăng ký vốn không phù hợp với khả năng thực hiện, tỷ lệ giải ngân thấp nên phải đề nghị điều chỉnh vốn. Có dự án khi đề xuất sử dụng bằng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ hoặc đầu tư toàn bộ nhưng sau đó không bố trí đủ phần vốn hỗ trợ trong kế hoạch, do đó phải cắt giảm, ngừng thi công, gây lãng phí, không hiệu quả như công trình đường giao thông Cư Đrăm – Khánh Vĩnh. Những dự án lớn đã triển khai như: Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du đều kéo dài tiến độ so với quy định (bố trí vốn vượt quá 5 năm)... Mặt khác, việc sử dụng vốn đầu tư chưa thực sự phát huy hiệu quả; tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn hằng năm chưa cao; số vốn phải chi chuyển nguồn sang năm sau khá nhiều, thậm chí có dự án phải chuyển nguồn tới 2 năm...
Đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột đoạn qua phường Tân Lập. Ảnh: H.Tuyết |
Cần những “phương thuốc” hữu hiệu
Báo cáo kết quả giám sát về tình hình đầu tư công trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2017 cũng kiến nghị, đề xuất một số biện pháp chấn chỉnh hoạt động đầu tư công, khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên. Trong đó “phương thuốc” hữu hiệu là các giải pháp tăng cường năng lực thực thi nhiệm vụ và xử lý quyết liệt, có chế tài nghiêm minh với việc chậm trễ, lãng phí, thất thoát trong đầu tư công. Bên cạnh đó các cấp, ngành tăng cường phối hợp chặt chẽ trong việc tham mưu xây dựng kế hoạch đầu tư công và tổ chức thực hiện, tránh để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; ưu tiên sử dụng vốn ngân sách nhà nước như là vốn tạo động lực để khai thác tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác; đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa.
Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác lập và quản lý quy hoạch làm căn cứ xây dựng các chương trình, kế hoạch đầu tư công trung hạn; nâng cao chất lượng tham mưu, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án; khắc phục triệt để tình trạng đề xuất các dự án không đầy đủ thông tin, luận cứ đảm bảo hiệu quả đầu tư, chỉ quyết định chủ trương đầu tư khi đã thẩm định, làm rõ nguồn vốn và khả năng cân đối, bố trí vốn cho từng chương trình, dự án, bảo đảm dự án được phê duyệt có đủ nguồn lực thực hiện hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo có đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật. Mặt khác, cần chấn chỉnh công tác đấu thầu các dự án đầu tư công, đảm bảo tính công khai, minh bạch, tính cạnh tranh cao, hiệu quả kinh tế - xã hội, lựa chọn được nhà thầu có năng lực tốt nhất để thực hiện dự án; thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn... bảo đảm chất lượng và hiệu quả đầu tư; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm minh các vi phạm trong việc chấp hành pháp luật đầu tư công...
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc