Chăn nuôi gia công – hướng phát triển kinh tế mới ở Cuôr Đăng
Những năm gần đây, nhiều nông dân xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) đã chuyển hướng sang chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp. Đây được xem là hướng chăn nuôi an toàn, nông dân không phải lo đầu ra cho sản phẩm và ít phải chịu rủi ro, có thu nhập ổn định hơn.
Gia đình chị Võ Thị Trúc Linh (buôn Cuôr Đăng A) là một trong những hộ có thu nhập cao từ chăn nuôi gà gia công ở xã Cuôr Đăng. Sau khi tìm hiểu về mô hình, năm 2017, chị đã mạnh dạn ký hợp đồng chăn nuôi gà gia công cho Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam. Tham gia mô hình, chị phải đầu tư xây dựng chuồng trại theo tiêu chuẩn của công ty đưa ra, được công ty hỗ trợ về con giống, thức ăn, vắcxin phòng bệnh và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi.
Trại chăn nuôi gà gia công của chị Võ Thị Trúc Linh. |
Trại chăn nuôi của chị Linh được xây dựng xa khu dân cư, có diện tích hơn 1.000 m2 trị giá hơn 1,7 tỷ đồng; quy mô nuôi 19.000 con gà/lứa. Sau 65 - 70 ngày nuôi, gà có thể xuất chuồng, bình quân mỗi con đạt trọng lượng từ 1,6 - 1,7 kg, chị Linh được hưởng 4.500 - 5.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng của đàn gà, mức độ hao hụt. Tính ra, sau khi trừ hết chi phí đầu tư về nhân công, điện, nước…, gia đình chị có thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/lứa nuôi. Bình quân, mỗi năm gia đình chị Linh xuất chuồng 3 lứa gà, mỗi lứa đạt trọng lượng trên 30 tấn gà thịt, thu về khoảng 150 triệu đồng tiền lãi. Ngoài ra, sau mỗi lứa gà chị còn thu được 20 triệu đồng từ việc bán phân gà cho các hộ dân trên địa bàn… Chị Linh chia sẻ: “Chăn nuôi theo hình thức gia công, tôi thấy an toàn hơn, đầu ra, đầu vào đều do công ty thực hiện, người chăn nuôi cũng không phải lo rơi vào tình trạng giá cả bấp bênh. Việc của mình chỉ là chăm sóc vật nuôi tốt”.
Đầu năm 2017, anh Nguyễn Văn Hữu (trú thôn 2, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột) cùng một số anh em hùn vốn đầu tư chăn nuôi gà gia công cho Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam tại buôn Kroa C (xã Cuôr Đăng). Trại nuôi có diện tích hơn 1.000 m2, trị giá hơn 1,3 tỷ đồng, trong đó 50% chi phí đầu tư cho cơ sở vật chất, 50% đầu tư cho các trang thiết bị. Như các hộ chăn nuôi khác, trung bình mỗi ki-lô-gam gà, anh Hữu được hưởng từ 4.500 - 5.000 đồng. Như vậy, với 18.000 con gà/lứa, anh có thu nhập khoảng 150 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư còn lãi khoảng 80 triệu đồng. Thấy hiệu quả của mô hình chăn nuôi gia công mang lại, cuối năm 2017, anh Hữu rủ thêm người quen tiếp tục đầu tư xây dựng khu chuồng nuôi thứ hai, nâng tổng diện tích trại lên hơn 2.000 m2, quy mô nuôi 38.000 con/đợt. Qua gần 2 năm chăn nuôi gia công, anh Hữu luôn có thu nhập ổn định, thường xuyên được doanh nghiệp thưởng thêm vì chăm sóc tốt, độ hao hụt ít…
Anh Nguyễn Văn Hữu (phải) giới thiệu với cán bộ Hội Nông dân xã Cuôr Đăng về hệ thống máng ăn tự động của trang trại. |
Không riêng chị Linh, anh Hữu, gần đây nhiều hộ dân ở xã Cuôr Đăng đã mạnh dạn chuyển sang chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng gia công. Tính đến nay, trên địa bàn xã có 12 hộ chăn nuôi heo và gà gia công cho các doanh nghiệp. Lợi thế của việc chăn nuôi theo hình thức gia công là hộ nuôi sẽ được doanh nghiệp đầu tư trọn gói từ giống, thức ăn, kỹ thuật, còn người nuôi chỉ phải đầu tư chuồng trại theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp đưa ra, công chăm sóc, vệ sinh chuồng trại. Việc tiêu thụ sản phẩm đều do doanh nghiệp thực hiện, sau mỗi đợt xuất chuồng nhìn chung người chăn nuôi đều có thu nhập cao và ổn định, không phải lo về giá cả...
Ông Hoàng Viết Cát, Chủ tịch UBND xã Cuôr Đăng cho biết, chăn nuôi theo hình thức gia công cho doanh nghiệp bắt đầu hình thành trên địa bàn xã từ năm 2016, mới đầu chỉ có 5 trại nuôi của những hộ từ các địa phương khác đến mua, thuê đất thực hiện. Đến năm 2017, tăng lên 11 trang trại và năm 2018 là 12 trang trại, trong đó có 1 trang trại nuôi heo và 11 trang trại nuôi gà, đều nuôi gia công cho Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam. Nhìn chung các trang trại trên địa bàn xã đều bảo đảm được thu nhập và lợi nhuận cho hộ chăn nuôi, kể cả ở thời điểm giá cả xuống thấp, mang lại việc làm cho nhiều lao động địa phương. Bên cạnh đó, để chăn nuôi theo hình thức gia công, các trại phải đầu tư theo tiêu chuẩn của công ty nên không bị ô nhiễm môi trường như nhiều hộ chăn nuôi truyền thống.
Trung Dũng
Ý kiến bạn đọc