Hiệu quả từ mô hình trồng nấm rơm ở Quảng Điền
Với ưu điểm dễ trồng, chi phí đầu tư ít, tận dụng nguồn rơm rạ có sẵn, nhiều hộ dân ở xã Quảng Điền (huyện Krông Ana) đã phát triển tốt mô hình trồng nấm rơm, mang lại nguồn thu nhập cao.
Anh Dương Huỳnh Linh (thôn 1) là người tiêu biểu trong việc phát triển mô hình trồng nấm ở xã. Sau 3 tháng tham gia lớp dạy nghề trồng nấm do huyện tổ chức, nhận thấy nơi mình sống có nguồn rơm rạ dồi dào, anh Linh quyết định đầu tư trồng nấm rơm. “Vạn sự khởi đầu nan”, khi mới bắt đầu làm anh Linh gặp không ít khó khăn về vốn, kỹ thuật chăm sóc nên nấm thường xuyên bị hỏng, cho năng suất thấp. Không nản chí, anh kiên trì tìm tòi, học hỏi kỹ thuật của các trại trồng nấm trong huyện để vận dụng phát triển trại nấm của gia đình. Đến nay, anh Linh đã phát triển diện tích gần 200 m2 trồng nấm và đầu tư máy cuốn rơm, xe kéo rơm để giảm chi phí, tiết kiệm nhân công. Mỗi ngày, anh xuất bán 60 kg nấm, với giá bán khoảng 70 nghìn đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, gia đình anh thu lãi được 25-30 triệu đồng/tháng.
Anh Dương Huỳnh Linh đang kiểm tra trại nấm của gia đình. |
Nhận thấy hiệu quả của mô hình trồng nấm rơm, đầu tháng 10-2018, Hội Nông dân xã Quảng Điền đã vận động các hộ dân thành lập tổ nghề nghiệp gồm 10 thành viên. Anh Dương Huỳnh Linh là người chịu trách nhiệm hướng dẫn các tổ viên về kỹ thuật chăm sóc, góp phần đưa sản phẩm tốt nhất ra thị trường. Anh Dương Huỳnh Phương (thôn 1), một thành viên của tổ cho biết, hiện tại anh có 2 trại trồng nấm rơm, mỗi trại 36 m2. Mỗi ngày anh xuất bán gần 30 kg nấm, sau khi trừ hết chi phí anh thu lãi 15 triệu đồng/tháng.
Anh Dương Huỳnh Phương đang cấy phôi giống nấm vào bịch ủ. |
Theo ông Huỳnh Đức Quốc, Chủ tịch Hội Nông dân xã, nhờ khí hậu phù hợp nên cây nấm ở đây phát triển tốt. Bên cạnh đó, với diện tích trồng lúa lớn, dồi dào về nguồn rơm rạ nên người trồng nấm có thể tận dụng tối đa, chi phí thấp. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động các hộ mở rộng diện tích trồng nấm và dự kiến sẽ thành lập hợp tác xã, hướng tới xây dựng thương hiệu riêng để ổn định đầu ra; nghiên cứu phương pháp bảo quản được lâu để thuận lợi cho việc xuất bán ra các tỉnh thành khác.
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc