Multimedia Đọc Báo in

Hội LHPN huyện Ea H'leo: Đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế

14:00, 20/12/2018

Những năm qua, phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững” được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ea H’leo chú trọng triển khai và thực hiện có hiệu quả.

Bà Mai Thị Mỵ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ea H’leo cho biết, Hội hiện có trên 18.000 hội viên, sinh hoạt ở 13 hội cơ sở. Hằng năm, trên cơ sở khảo sát, nắm bắt tình hình đời sống, việc làm của hội viên, các cấp Hội phân loại hộ nghèo theo từng nguyên nhân để có giải pháp tác động, hỗ trợ với nhiều hình thức như tín chấp cho vay vốn, giúp cây, con giống, khoa học kỹ thuật... Nhờ làm tốt vai trò cầu nối, đơn vị đã khai thác tốt các nguồn vốn thông qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN-PTNT, các chương trình, dự án với số tiền gần 163 tỷ đồng cho 7.775 hộ vay; duy trì 115 tổ tiết kiệm, bình quân dư nợ đạt trên 20 triệu đồng/hộ, không có nợ quá hạn tồn đọng. Hội đứng ra tín chấp 234 tấn phân bón cho 333 hộ phục vụ sản xuất…

 Chị Phạm Thị Thu Hương (thôn 8,  xã Ea Ral) chăm sóc đàn heo.
Chị Phạm Thị Thu Hương (thôn 8, xã Ea Ral) chăm sóc đàn heo.

Nhờ sự hỗ trợ tích cực của Hội Phụ nữ huyện, nhiều hội viên đã vượt khó vươn lên làm giàu. Điển hình là mô hình chăn nuôi - trồng trọt của chị Phạm Thị Thu Hương (thôn 8, xã Ea Ral). Trước đây gia đình chị Hương thuộc diện hộ nghèo, năm 2014, với số vốn 35 triệu đồng được Hội Phụ nữ huyện tạo điều kiện cho vay, chị đầu tư chăn nuôi heo. Ban đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm, chị nuôi với số lượng 7 con heo nái Móng Cái. Sau lứa nuôi đầu tiên thuận lợi, chị mở rộng chuồng trại kiên cố 80 m2, nhân đàn lên thành 20 con. Với phương pháp nuôi khoa học, đàn heo của chị Hương phát triển khỏe mạnh, an toàn dịch bệnh, mỗi năm đẻ 2 lứa, cho xuất chuồng 80 - 90 con heo giống (12 - 14 kg/con), đem về cho chị số lãi gần 150 triệu đồng/năm. Số tiền tích cóp được từ bán heo, chị mua thêm 2 ha rẫy để trồng hồ tiêu xen cây ăn trái và trồng cây keo. Hiện gia đình chị Hương đã vươn lên thoát nghèo và xây dựng được ngôi nhà khang trang.

Hầu hết hội viên vay vốn ủy thác đều tập trung đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất kinh doanh, không chỉ vươn lên phát triển kinh tế gia đình mà còn giúp đỡ nhiều hội viên khác. Tiêu biểu là chị Đặng Thị Nguyệt (thôn 3, xã Ea Nam). Rời quê hương Quảng Nam vào Đắk Lắk lập nghiệp năm 1996, sau nhiều năm làm lụng vất vả chị mua được 2 ha rẫy nhưng do kỹ thuật canh tác còn hạn chế nên hiệu quả không cao. Từ khi tham gia sinh hoạt trong Hội Phụ nữ xã, qua các buổi chia sẻ kinh nghiệm, tập huấn nông nghiệp do xã tổ chức đã giúp chị thay đổi cách làm. Năm 2010, với số tiền 20 triệu đồng được vay thông qua Hội Phụ nữ xã, chị mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng cách mua 500 cây giống cây ăn trái như bơ booth, sầu riêng… trồng xen trong vườn hồ tiêu đã có trước đó. Hiện vườn cây phát triển xanh tốt cho chị nguồn thu 300 triệu đồng/năm. Cùng với đó, chị Nguyệt còn kinh doanh thu mua nông sản, phân bón. Nhờ ổn định kinh tế, chị có điều kiện giúp đỡ, tạo việc làm cho 6 lao động địa phương với mức lương 6 triệu đồng/tháng.

Cơ sở kinh doanh thu mua nông sản của chị Đặng Thị Nguyệt (thôn 3, xã Ea Nam).
Cơ sở kinh doanh thu mua nông sản của chị Đặng Thị Nguyệt (thôn 3, xã Ea Nam).

Bằng những hoạt động hỗ trợ cụ thể, các cấp Hội Phụ nữ huyện Ea H’leo đã giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ. Để đẩy mạnh phong trào, hằng năm Hội đều phối hợp tổ chức 15 - 20 buổi hội thảo, tập huấn, qua đó giúp hội viên trang bị thêm kiến thức, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Đời sống được nâng lên, hội viên thêm gắn bó với Hội và nhiệt tình hưởng ứng các phong trào do địa phương phát động.

Trong năm 2018, các cấp Hội Phụ nữ huyện Ea H’leo đã xây dựng được nguồn quỹ Hội đạt gần 2,3 tỷ đồng, giúp 662 hộ khó khăn vay vốn phát triển sản xuất; thành lập câu lạc bộ “Phụ nữ tiểu thương phát triển kinh tế” ở xã Ea Ral và xây dựng 1 HTX trồng và chế biến tinh dầu sả tại xã Ea H’leo…

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.