Hợp tác xã Nông nghiệp Thuận Hòa: Loay hoay gỡ khó cho đầu ra rau an toàn
Vùng sản xuất rau của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thuận Hòa hình thành từ hơn 10 năm qua, trên cơ sở tập hợp các hộ sản xuất cá thể nhỏ lẻ tại tổ dân phố 12, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột. Đây là vùng sản xuất rau tập trung lớn, đã xây dựng được nhãn hiệu với nhiều chủng loại rau ăn lá, rau thơm, củ, quả đa dạng. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm rau an toàn của HTX vẫn còn khá bấp bênh.
Để xây dựng vùng sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, từ năm 2008, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã hỗ trợ HTX Nông nghiệp Thuận Hòa cơ sở sản xuất ban đầu gồm: nhà sơ chế, bể rửa rau, bể sục ozon, phòng lạnh, bàn đóng gói... Bên cạnh đó, trong giai đoạn từ 2008 – 2012, HTX còn được hỗ trợ chi phí tổ chức sản xuất và thủ tục cấp chứng nhận VietGAP trên diện tích 5 ha. Nhờ nguồn rau đa dạng, bảo đảm các tiêu chí về chất lượng, sản phẩm rau an toàn mang nhãn hiệu Thuận Hòa đã được siêu thị Co.op Mart Buôn Ma Thuột tiêu thụ ổn định trong một thời gian. Tuy nhiên, đến năm 2013, HTX chỉ còn được cấp chứng nhận VietGAP cho ba loại rau ăn lá là cải ngọt, cải ngồng, cải xanh nên không còn đủ chủng loại rau để cung cấp cho Co.op Mart. Từ đó, vì không có đối tác ký kết tiêu thụ nên nông dân sản xuất rau phải bán lẻ cho thương lái với giá thấp.
Thành viên của HTX đang chăm sóc vườn rau. |
Trên diện tích 8.000 m2 trồng rau thơm gối vụ, hầu như ngày nào gia đình ông Phạm Văn Ngọc cũng có rau bán ra thị trường. Mặc dù đang thời điểm rau thơm có giá cao, từ 25.000 - 35.000 đồng/kg tùy theo chủng loại, nhưng ông vẫn không mấy vui. Ông Ngọc than vãn: "Mỗi năm chỉ có một đợt ngắn rau thơm bán được giá cao, đa số thời gian còn lại giá rau rẻ như bèo, có khi giá chỉ còn 4.000 đồng/kg, gia đình phải chịu lỗ". Tương tự, ông Võ Văn Nhật trồng các loại rau cải, hành lá, ngò... cũng chủ yếu bán lẻ cho thương lái với giá cả thường xuyên biến động, có khi giá rau cải chỉ còn 1.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Tự, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Hòa
|
Ông Nguyễn Tự, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Hòa cho biết, thời gian qua, Hội đồng quản trị và Ban giám đốc HTX đã rất nỗ lực tìm kiếm khách hàng, kết nối với các doanh nghiệp, cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh để tìm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, do sức cạnh tranh của thị trường tiêu thụ rau an toàn ngày càng lớn, trong khi đó chi phí tái cấp chứng nhận VietGAP quá cao so với thu nhập nên hầu hết người trồng rau không mặn mà.
Được sự hỗ trợ của UBND TP. Buôn Ma Thuột và các đơn vị chức năng, hiện HTX Nông nghiệp Thuận Hòa đang tiến hành các thủ tục xin cấp lại chứng nhận VietGAP cho 10 hộ sản xuất thành viên với diện tích khoảng 2 ha. Ngoài ra, HTX cũng đã kết nối với các trường học trên địa bàn để cung cấp rau an toàn cho các bếp ăn bán trú. "Mới đây, tại Hội thảo Giới thiệu sản phẩm an toàn của HTX, chúng tôi cũng đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Cổ phần thực phẩm sạch Núi Xanh. Đây được xem là tín hiệu tích cực để đưa rau an toàn mang nhãn hiệu Thuận Hòa trở lại thị trường, giúp người tiêu dùng dễ nhận diện và lựa chọn sản phẩm" - ông Nguyễn Tự hy vọng.
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc