Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea Kar: Đào tạo nghề gắn với nhu cầu lao động nông thôn

13:59, 20/12/2018

Không chỉ khảo sát, đào tạo nghề phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (gọi tắt là Trung tâm) huyện Ea Kar còn đưa các lớp dạy nghề về tận thôn, buôn, tạo điều kiện thuận lợi cho người học, đáp ứng nhu cầu lao động nông thôn.

Nhằm chủ động trong công tác tuyển sinh, hằng năm, Trung tâm đều tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách hỗ trợ dạy nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, đối tượng chính sách; tư vấn học nghề... bằng nhiều hình thức để người dân nắm bắt được thông tin. Trên cơ sở đó, ở những nơi mà người dân chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp, Trung tâm đã đưa các lớp dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi về tận thôn, buôn nhằm trang bị kiến thức, kỹ thuật, nâng cao tay nghề cho lao động.

Gia đình anh Vương Quốc Thành ở thôn 9, xã Cư Ni mở rộng quy mô chăn nuôi theo hình thức trang trại khép kín.
Gia đình anh Vương Quốc Thành ở thôn 9, xã Cư Ni mở rộng quy mô chăn nuôi theo hình thức trang trại khép kín.

Sau khi tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi heo, năm 2015, anh Vương Quốc Thành ở thôn 9, xã Cư Ni mạnh dạn vay vốn mở rộng quy mô trang trại chăn nuôi lên 10 heo mẹ, 200 heo thịt theo hình thức khép kín, hệ thống chuồng nuôi thông thoáng, sạch sẽ, hầm biogas xử lý phân, nước thải. Bên cạnh đó, với những kiến thức đã học, anh Thành còn chủ động phòng trừ dịch bệnh tai xanh, tụ huyết trùng, thương hàn, chống còi cho heo. Nhờ vậy, trang trại của anh đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất của ngành chăn nuôi khi giá cả xuống thấp. Năm 2018, gia đình anh đã xuất bán được 3 lứa heo, trừ chi phí thu lãi khoảng 200 triệu đồng.

Anh Y Kluet Mlô (người đầu tiên) nhận thầu một công trình xây dựng trên địa bàn xã Cư Ni, tạo việc làm cho các học viên lớp xây dựng dân dụng.
Anh Y Kluet Mlô (người đầu tiên) nhận thầu một công trình xây dựng trên địa bàn xã Cư Ni, tạo việc làm cho các học viên lớp xây dựng dân dụng.

Tuy đã là một thợ xây tương đối thạo nghề nhưng do chưa có chứng chỉ nghề nên anh Y Kluet Mlô ở buôn Egar, xã Cư Ni không thể tự nhận thầu các công trình xây dựng mà chỉ đi xây thuê cho các chủ thầu. Sau khi học nghề xây dựng dân dụng do Trung tâm mở ngay tại buôn vào năm 2018 đã giúp anh Y Kluet nâng cao tay nghề, nắm vững kỹ thuật xây dựng, xây được theo bản vẽ thiết kế... Để tạo việc làm cho mình và các học viên, Y Kluet đã mạnh dạn đứng ra nhận thầu các công trình xây dựng và nhận 5 học viên vào làm, trả công từ 230.000 – 280.000 đồng/ngày.

Thầy Bùi Văn Thành, giáo viên Trung tâm cho biết, để giúp học viên vững tay nghề, Trung tâm xây dựng chương trình học đến đâu thực hành đến đó. Để giải quyết “bài toán” đầu ra sau đào tạo nghề, trong quá trình dạy, giáo viên đã định hướng, khuyến khích học viên liên kết thành lập các tổ hợp tác chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng, mở dịch vụ nấu ăn, mở quán kinh doanh ăn uống. Những học viên có tay nghề cao đã xin được việc làm tại các khu công nghiệp, nhà máy trong và ngoài tỉnh.

Theo ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Ea Kar, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Chính phủ đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Từ năm 2015 - 2018, Trung tâm đã tổ chức được 32 lớp dạy nghề cho 1.055 lao động nông thôn. Tỷ lệ học viên có việc làm sau đào tạo trung bình đạt 60-70% đối với các nghề phi nông nghiệp và trên 90% đối với nghề nông nghiệp.

Minh Tính


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.