Những người ươm nụ chờ xuân
Thời tiết Đắk Lắk những ngày này thay đổi thất thường khiến người trồng hoa đứng ngồi không yên. Cái nghề “ăn đất nằm sương” ươm nụ chờ xuân này, thành công hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết…
Hơn 11 giờ trưa, anh Trần Ngọc Quý (đường Nguyễn Thị Định, phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) mới tưới nước xong cho 600 chậu cúc. Thế nhưng vừa ngưng tay thì trời bất ngờ đổ mưa. "Kiểu này lại phải tưới lại từ đầu, nếu không toàn bộ lá chân sẽ bị hỏng hết", anh Quý than vãn.
Gia đình anh Quý theo trồng hoa Tết đã được 6 năm, chủ yếu là hoa cúc, bởi loại này dân dã, dễ trồng, dễ chăm sóc so với các loại “sang chảnh” như hoa huệ, lay ơn, hoa lan…. Mỗi năm anh trồng khoảng 500-600 chậu lớn nhỏ. Hỏi về nghề trồng hoa, anh Quý bảo: "Vất vả lắm, ai làm rồi sẽ biết!". Từ tháng 3, anh đã lo khâu đúc chậu, ủ phân, làm đất… đến rằm Trung thu là nhập giống hoa Đà Lạt về trồng. Từ ngày xuống giống, gia đình anh thay nhau túc trực trong vườn, hết làm cỏ, bón phân, tưới nước lại lo chuyện trừ sâu, diệt nấm hại cây… "Nhất là khi thời tiết thay đổi đột ngột, đang nắng chuyển sang mưa cây dễ bị bệnh, còi cọc, sinh trưởng kém, người trồng phải theo sát vườn hoa “không rời mắt” để có biện pháp thích ứng. Cái khó của nghề trồng hoa cảnh là phải giữ được lá chân (gốc) và chăm cho hoa nở đúng thời điểm Tết, bằng không vụ hoa đó coi như thất bại", anh Quý chia sẻ.
Vườn hoa cúc gia đình anh Trần Ngọc Quý. |
Chị Hằng tâm sự
|
Thời điểm này, nhà chị Đỗ Thị Minh Hằng (thôn Hòa Phú, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) đã cơ bản hoàn tất các công đoạn bón phân, phun thuốc, cắm cọc, quấn dây… cho gần 200 chậu hoa cúc pha lê. Số lượng hoa tuy khiêm tốn nhưng vợ chồng chị cũng phải quần quật chăm sóc hơn 4 tháng trời. Có thâm niên hơn 20 năm trồng hoa Tết, chị Hằng đã nếm đủ mọi khó nhọc của nghề. Chị ví von: "Nghề trồng hoa như chăm trẻ sơ sinh. Từng công đoạn chăm sóc phải tỉ mẩn, nâng niu từ lúc trồng đến khi bung nụ".
Để cúc có thân cây dài đẹp thì phải thắp điện, nếu không, cây chưa kịp phát triển đã ra hoa. Cũng nhờ kỹ thuật thắp điện cho cây, người trồng mới điều chỉnh được cho cây ra hoa đúng thời điểm cần bán. Muốn có chậu hoa đẹp, kỹ thuật trồng, chăm sóc thôi chưa đủ, còn phụ thuộc lớn vào thời tiết. Như vụ hoa tết 2015, chị Hằng bị lỗ nặng vì trời mưa nắng thất thường khiến vườn hoa hỏng hết lá chân, bán không ai mua. Vụ hoa năm nay chị cũng phải trồng lại mấy chục chậu do đợt đầu xuống giống gặp mưa cây bị chết.
Chi phí trồng hoa tương đối cao. Chị Hằng nhẩm tính: Tiền mua giống, nguyên liệu làm chậu, tiền thuốc sâu, phân bón… cho 200 chậu cúc đã hơn 20 triệu đồng, chưa kể công vợ chồng chị chăm sóc trong 4 tháng liền. Nếu thời tiết thuận lợi cho hoa nở đẹp đúng dịp Tết, bán được giá thì cũng có lãi mỗi chậu được vài chục nghìn đồng, còn không thì…cũng đành chấp nhận. Dẫu nghề trồng hoa Tết cực nhọc, thị trường tiêu thụ bấp bênh song chị Hằng vẫn không có ý định bỏ nghề. Đây vừa là nghề truyền thống của gia đình vừa là đam mê của vợ chồng chị.
Huỳnh Thủy
Ý kiến bạn đọc