Những startup tích cực kết nối cho hành trình khởi nghiệp
Sau cuộc thi khởi nghiệp, mỗi startup trở về với dự án và những hướng đi của riêng mình. Tuy nhiên, để có thể tiến xa, một số bạn đã cùng nhau kết nối với mục tiêu là hỗ trợ giúp nhau cùng phát triển.
Mặc dù là người đến với cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh năm 2018 của tỉnh với tâm thế khá bị động, nhưng sau cuộc thi Phan Thị Thu Huyền là một trong những startup khá năng động đã chịu khó mang Pizza Bếp Nhà chinh phục nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Cuộc thi khởi nghiệp kết thúc nhưng lại mở ra một loạt cơ hội cho Huyền về kiến thức cũng như kinh nghiệm khởi nghiệp từ hoạt động truyền cảm hứng của một loạt các sự kiện sau đó. Ngoài việc tích cực tham gia các hoạt động, sự kiện liên quan đến khởi nghiệp do tỉnh tổ chức, Huyền đã tham dự chương trình Shark Tank Forum 2018 được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh; Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia - Techfest 2018 tại Đà Nẵng; hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi" năm 2018 cùng với các nhà khởi nghiệp trẻ...
Các startup Đắk Lắk tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia - Techfest 2018, Đà Nẵng. |
Ông Phạm Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Truyền thông và Sự kiện Pro (một trong những thành viên của Ban tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh Đắk Lắk năm 2018)
|
Phan Thị Thu Huyền cho biết: “Các chương trình đã mang lại cơ hội quý giá để em học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp. Như Chương trình Shark Tank Forum 2018 tại TP. Hồ Chí Minh đã quy tụ, kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm các công ty khởi nghiệp, nhà đầu tư mạo hiểm, cố vấn, đại diện các doanh nghiệp và truyền thông.
Với hội thảo, đàm thoại xoay quanh các chủ đề: “Quốc gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, “Mô hình kinh doanh nào cho tương lai?”, “Nền tảng công nghệ nào cạnh tranh toàn cầu?”, “Phương thức huy động vốn trong thế giới phẳng” và hai bài thuyết trình “Cổ tích của tương lai – Câu chuyện về một tương lai thông minh” cùng “Công nghệ cạnh tranh toàn cầu” đã mang lại cho em cũng như các bạn khởi nghiệp còn non trẻ một lượng kiến thức khổng lồ về khởi nghiệp. Rồi đến hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” năm 2018, em đã gặp gỡ và giao lưu với hơn 100 các bạn trẻ khởi nghiệp đến từ các tỉnh, thành trong cả nước. Chúng em đã cùng nhau chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của chính mình, qua đó tìm mối liên kết để cùng nhau phát triển”.
Cùng với Phan Thị Thu Huyền, Trần Nhật Anh – Startup Cốm nghệ Huvahi; Nguyễn Thị Thu Phương – Startup Mắc ca Đắk Lắk Nguyên Phương; Nguyễn Văn Sơn – Startup Trà Mãng Cầu cũng tham gia nhiều hoạt động để cùng kết nối trong hành trình khởi nghiệp của mình. Chia sẻ về chuỗi ngày tham gia các sự kiện trong nước, Trần Nhật Anh cho biết, sau cuộc thi khởi nghiệp, em đã mang cốm nghệ Huvahi đi tham dự một số hội nghị, diễn đàn như: Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh thành năm 2018 tại Bến Tre; Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Đắk Lắk và doanh nghiệp TP. Cần Thơ năm 2018; Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia - Techfest 2018 tại Đà Nẵng.
Trần Nhật Anh (bìa phải) giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp trong Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia - Techfest 2018 tại Đà Nẵng. |
Những chuyến đi đã mang lại cơ hội cho em được giao lưu, học tập với các startup thành công đi trước đến từ mọi miền của đất nước. Có những bài học hỗ trợ tích cực cho “team” của cốm nghệ về xây dựng thương hiệu. Cũng nhờ những hoạt động từ những chuyến đi này, sản phẩm cốm nghệ Huvahi đã đến với nhiều khách hàng, đối tượng người tiêu dùng trong nước cũng như khách quốc tế. Bên cạnh đó, chuyến đi này còn mở ra cơ hội cho Nhật Anh mở rộng thị trường, đưa các sản phẩm cốm nghệ vào các siêu thị mini ở các tỉnh thành trong nước.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc