Multimedia Đọc Báo in

Nỗi lo mất mùa mai Tết

14:00, 20/12/2018

Xã Hòa Thắng được xem là vựa mai lớn nhất của TP. Buôn Ma Thuột,  nhưng năm nay do thời tiết bất thường, đầu năm nắng hạn, cuối năm mưa, lạnh liên tục khiến người trồng mai tại đây đang canh cánh nỗi lo mất mùa mai Tết.

Gia đình ông Dương Danh Bộ (thôn 11) là một trong những hộ trồng mai khá nổi tiếng ở xã Hòa Thắng . Mọi năm, vườn mai nhà ông luôn có khoảng 200 gốc, chủ yếu là các giống mai bản địa. Tuy nhiên vào thời điểm hiện tại, cả vườn chỉ còn hơn chục chậu là đủ sức phát triển. Ông Bộ bày tỏ: “Thời tiết năm nay diễn biến quá thất thường khiến vườn mai của gia đình thất thu, tôi đang tìm loại cây cảnh khác để trồng thay thế…”. Còn ông Trần Văn Tâm, một người cũng trồng mai lâu năm ở thôn 11 cho biết, năm nay gia đình ông trồng hơn 100 cây mai nhưng với tình hình thế này, ông phải bỏ thêm chi phí để chăm sóc mai. Ông chỉ còn biết hy vọng thời gian tới trời sẽ nắng hơn chứ nếu mưa, rồi lạnh thì vườn mai sẽ không ra hoa kịp dịp Tết.

Ông Hồ Sỹ Hùng (xã Hòa Thắng) chăm sóc số cây mai còn lại .
Ông Hồ Sỹ Hùng (xã Hòa Thắng) chăm sóc số cây mai còn lại.

Ông Hồ Sỹ Hùng, Chủ tịch Hội sinh vật cảnh Hòa Thắng cho biết, Hội có hơn 50 hội viên là những người làm vườn ở xã Hòa Thắng và một số xã lân cận như Ea Tiêu (huyện Cư Kuin), Hòa Đông (Krông Pắc)… nhưng chưa năm nào người trồng hoa, cây cảnh của Hội phải gồng mình đối phó với thời tiết như năm nay. Ông Hùng chia sẻ: “Năm nay, thời tiết diễn biến cực kỳ phức tạp nên người làm hoa phải tăng thêm chi phí để ứng phó. Vào thời điểm tháng 5 đến tháng 8 trời mưa liên tục,  đến tháng 9, tháng 10 bỗng chuyển nắng, rồi đến cuối tháng 11 đầu tháng 12 lại đổ mưa và lạnh, khiến mai không thể bung nụ, nhiều vườn mai của hội viên thậm chí còn bị thối nụ, cây hư hỏng gần hết . Tôi cũng trồng 250 chậu nhưng hiện chỉ còn khoảng 100 chậu hy vọng là ra hoa đúng dịp Tết”.

Chị Nguyễn  Thị Việt Hà,  chuyển từ  trồng mai sang  trồng hoa hồng  và quất.
Chị Nguyễn Thị Việt Hà, chuyển từ trồng mai sang trồng hoa hồng và quất.
 

“Năm nay thời tiết diễn biến rất bất lợi cho cây mai nên nhiều vườn mai bị úng, thối, cây chưa phát triển nụ, hoặc sẽ bung sớm trước Tết. Các tỉnh như Bình Định, Phú Yên là những vựa mai lớn cung cấp mai cho tỉnh Đắk Lắk lại gặp lũ, lụt trong thời gian qua nên dự đoán mùa hoa Tết năm nay, lượng mai sẽ không dồi dào như mọi năm”.

 
 
Ông Trương Phi Hùng, nghệ nhân cây cảnh ở thôn 5 (xã Hòa Thắng)

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều nhà vườn tại xã Hòa Thắng buộc phải bỏ mai, chuyển sang trồng các loại hoa, cây cảnh nhỏ. Chị Nguyễn Thị Việt Hà, chủ nhà vườn Tuấn Hà (ở thôn 4) từ Hà Nội vào Buôn Ma Thuột lập nghiệp bằng nghề trồng mai cách đây hơn chục năm, nhưng năm nay buộc phải bỏ cây mai chuyển sang trồng hồng và quất. Chị Việt Hà tâm sự: “Vẫn biết người dân luôn chuộng cây mai trong ngày Tết nhưng thời tiết như thế này căn hoa mai rất cực, lại tốn thêm kinh phí, gia đình theo không nổi nên phải chuyển sang trồng cây khác để bảo đảm thu nhập”.

Chị H’Vương Niê, cán bộ nông nghiệp xã Hòa Thắng cho biết, diện tích canh tác cây cảnh trên địa bàn xã vào khoảng 20 ha. Những năm trước đây, đa số nhà vườn đều trồng mai, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư phát triển trồng mai để xóa nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây thời tiết mưa rét kéo dài thất thường, không khí lạnh tăng cường nhiều và lâu hơn đã ảnh hưởng đến quá trình làm nụ, ra hoa của mai nên nhiều nhà vườn đã chủ động chuyển sang trồng những cây cảnh nhỏ hơn như: quất, hồng, cây dâu tây…

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.