Nông trại cà phê Đồng Tâm hướng đến sản xuất cà phê đặc sản
Với mục tiêu tạo ra sản phẩm cà phê chất lượng cao, một nhóm nông dân ở thôn Cao Thành, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột đã gắn kết với nhau xây dựng chuỗi liên kết Nông trại Đồng Tâm.
Chuỗi liên kết hiện có 10 hộ nông dân trồng cà phê với tổng diện tích sản xuất là 15,5 ha, tổng sản lượng bình quân hằng năm 45 tấn nhân. Ông Phạm Văn Đồng, một thành viên của chuỗi liên kết cho biết, ý tưởng liên kết nông hộ theo chuỗi xuất phát từ thực tiễn sản xuất: biến đổi khí hậu khiến thời tiết diễn biến bất thường, sản xuất ngày càng khó khăn nhưng giá cà phê bán ra lại thấp, người dân không có lời. Do đó, năm 2016 ông và các hộ dân liên kết lại để từng bước thống nhất việc thay đổi cách thức, tập quán sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng hữu cơ. Theo đó, nông dân từng bước thay đổi tập quán sản xuất bằng cách “cai” thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vô cơ, chỉ sử dụng phân hữu cơ trên vườn. Đồng thời, đa canh các loại cây trồng khác theo từng tầng sinh thái: cao nhất là cây ăn quả như bơ, sầu riêng; kế đến là hồ tiêu; tầng trung là cà phê; thấp nhất là cây lạc dại, cỏ… Nhờ đó, cà phê vừa được che nắng, chắn gió nên phát triển ổn định, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Thành viên Nông trại Đồng Tâm hái lựa những quả cà phê tốt nhất để sản xuất cà phê chất lượng cao. |
Ông Lê Văn Tâm, người có 5 ha cà phê (trồng năm 1995) trực tiếp tham gia chuỗi cà phê cho hay, năm 2014 gia đình bắt đầu chuyển đổi phương pháp canh tác nhằm xây dựng vườn cà phê sinh thái theo hướng hữu cơ. Cụ thể là tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ mà chỉ sử dụng máy cắt cỏ để diệt cỏ trên vườn nhằm bảo vệ môi trường, tránh tác dụng phụ lên các cây trồng; chăm sóc, cắt tỉa cành thường xuyên, tạo độ thông thoáng cho vườn cây, hạn chế dịch bệnh; chỉ thu hái khi cây có tỷ lệ chín cao để quả cà phê có đủ thời gian tích trữ, chuyển hóa dinh dưỡng tạo nên hương vị đặc trưng… Nhờ tuân thủ các nguyên tắc trên mà vườn cà phê của gia đình cơ bản đã “cai” được các loại hóa chất công nghiệp, lượng cây che phủ đạt trên 50% diện tích đất, tạo môi trường lâm sinh cho cà phê phát triển. Năng suất cà phê không cao như thâm canh nhưng chất lượng bảo đảm, thu nhập tăng nhờ các nguồn thu từ cây xen canh và đặc biệt cà phê được doanh nghiệp thu mua với giá trên 60.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với cà phê thông thường.
Vườn cà phê lâm sinh của Nông trại Đồng Tâm phát triển tốt, ít dịch bệnh. |
Vườn cây có sẵn, chất lượng cà phê từng bước được nâng cao nhưng để hoàn thiện sản phẩm và thương mại trên thị trường, các nông hộ trong chuỗi liên kết Đồng Tâm đang từng bước nâng cấp hình thức tổ chức sản xuất của mình. Cụ thể là thống nhất và đang hoàn thiện thủ tục thành lập tổ hợp tác sản xuất cà phê đặc sản Đồng Tâm để có tư cách pháp nhân liên kết với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ các nông sản làm ra. Công ty TNHH MTV MINUDO Farm-Care đang hợp tác với các nông hộ xây dựng chuỗi sản xuất cà phê khép kín từ vùng nguyên liệu đến sơ chế sau thu hoạch, chế biến và thương mại sản phẩm cà phê thành phẩm chất lượng cao.
Ông Lê Đình Tư, Giám đốc Công ty cho biết, để có thể bao tiêu đầu ra cho cà phê, công ty đã và đang liên kết với nông dân đầu tư khu chế biến sau thu hoạch, khu chế biến sâu… Những lô cà phê chất lượng cao, hái lựa, bảo đảm các tiêu chuẩn đưa ra sẽ được thu mua và chế biến thành cà phê đặc sản phục vụ thị trường xuất khẩu cao cấp. Thời gian tới, đơn vị sẽ tận dụng những lợi thế sẵn có về vị trí địa lý-ven hồ Ea Kao và vườn cây sinh thái để xây dựng điểm tham quan du lịch nông trại trải nghiệm nghề trồng và chăm sóc cà phê, thưởng thức và quảng bá Cà phê Buôn Ma Thuột.
Với sự đồng tâm hiệp lực của nông dân và những gắn kết, đỡ đầu của doanh nghiệp, hy vọng rằng Nông trại Đồng tâm sẽ có những bước đi vững chắc góp phần lan tỏa “phong thái” Cà phê Buôn Ma Thuột.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc