Nuôi cấy thành công đông trùng hạ thảo
Mong muốn tạo ra một loại nấm có thể thay thế đông trùng hạ thảo tự nhiên ngày càng quý hiếm, đắt đỏ, Phó GS. TS Nguyễn Phương Đại Nguyên đã bỏ thời gian, tâm sức suốt 5 năm liền nuôi cấy thành công đông trùng thảo trong môi trường nhân tạo.
Khi bắt tay vào quá trình nghiên cứu, Phó GS. TS Nguyễn Phương Đại Nguyên (Trưởng bộ môn Sinh học - Trường Đại học Tây Nguyên) đã tìm đọc tất cả các tài liệu về đông trùng hạ thảo nhưng lượng thông tin có được rất ít, bởi loại thực phẩm có giá trị dược liệu này rất khó nuôi trồng. Tại Việt Nam, số người nghiên cứu, nuôi cấy thành công loại nấm này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Xác định “khó mấy cũng làm”, thầy Nguyên bỏ tiền túi mua giống nấm từ Đài Loan, Hàn Quốc về cấy, nuôi thử nghiệm. Thời gian đầu, nhiều mẻ nấm bị bỏ đi vì trúng phải giống kém chất lượng, lại chưa tìm ra môi trường nuôi thích hợp. Phải mất hơn năm trời, thử nhiều loại nấm, nuôi trong hàng trăm môi trường có ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm… khác nhau, thầy Nguyên mới thu được mẻ đông trùng hạ thảo đầu tiên vào năm 2016. Thầy mang sản phẩm đi kiểm tra chất lượng rồi tiếp tục hoàn thiện quy trình nuôi cấy thêm một năm nữa trước khi cho vào sản xuất công nghiệp vào năm 2018.
Thầy Nguyễn Phương Đại Nguyên (ngồi giữa) trong phòng nuôi đông trùng hạ thảo đã được vô trùng. |
Thầy Nguyên cho biết, có ba yếu tố quyết định đến thành – bại của nuôi trồng đông trùng hạ thảo gồm nguồn giống nấm, môi trường nuôi trồng và kỹ thuật cấy tế bào nấm. Sản xuất đông trùng nhân tạo có hai phương pháp, một là nuôi nấm trong môi trường sinh khối; hai là nuôi trực tiếp đông trùng thảo trên ký chủ. Với môi trường sinh khối, thành phần chính là gạo lứt cộng thêm các chất dinh dưỡng khác được hấp vô trùng, rồi đổ vào chai lọ sạch, cấy tế bào nấm và đặt nuôi trong phòng lạnh từ 60-70 ngày cho nấm phát triển.
Tương tự, phương pháp nuôi cấy trực tiếp cũng vô trùng con vật ký chủ là nhộng tằm trước khi cấy tế bào nấm đông trùng thảo vào. Cấy nấm xong, nhộng tằm được đưa vào phòng nuôi trồng đến ngày thứ 10 thì nấm bắt đầu kết mạng trong ruột nhộng, những mầm nấm dần dần trồi lên khỏi thân ký chủ. Người có kỹ thuật cao là biết cách cấy nấm vào mà nhộng tằm vẫn sống bình thường để cung cấp chất dinh dưỡng cho nấm sinh trưởng một thời gian rồi mới chết. Việc cấy nấm đông trùng thảo vào nhộng tằm thành công khi tỷ lệ nhộng sống đạt từ 95-97%.
Để đông trùng hạ thảo sinh trưởng phát triển tốt, đạt hàm lượng dinh dưỡng cao, các yếu tố trong môi trường nuôi trồng như nhiệt độ, ánh sáng, nước sạch… được điều khiển hoàn toàn bằng hệ thống tự động khép kín theo chương trình đã được cài đặt sẵn. Người nuôi trồng hạn chế bước vào phòng, chủ yếu theo dõi, giám sát qua hệ thống điều khiển bên ngoài. Thời gian từ khi cấy nấm đến thu hoạch đông trùng hạ thảo mất khoảng 3-4 tháng. Khi thu hoạch cũng phải tuân theo quy trình chặt chẽ để đảm bảo sản phẩm đông trùng hạ thảo tiệt trùng tuyệt đối.
Thầy Nguyễn Phương Đại Nguyên trong phòng nuôi đông trùng hạ thảo đã được vô trùng. |
Sau 5 năm bắt tay nghiên cứu, Phó GS. TS Nguyễn Phương Đại Nguyên đã tạo ra nguồn giống đảm bảo chất lượng, có quy trình nuôi trồng khép kín với hai phòng nuôi đạt chuẩn, hằng tháng cho lượng nấm đông trùng thảo ổn định. Cuối năm 2018, thầy Nguyên quyết định thành lập Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nguyên Đắk Lắk đưa đông trùng hạ thảo ra thị trường với hai dòng chính là nấm đông trùng hạ thảo sấy khô và các loại rượu ngâm từ đông trùng thảo.
Thầy Nguyên chia sẻ, không đặt nặng lợi nhuận kinh doanh mà muốn kiểm soát chất lượng nấm từ khâu làm giống, nuôi trồng đến khi thành phẩm. Bởi trên thị trường, đông trùng thảo bị làm giả nhiều, bằng mắt thường rất khó phân biệt. Dù là nấm nuôi trồng, đồng trùng thảo vẫn có giá rất cao từ vài chục triệu đến trăm triệu/ký, nên thầy Nguyên tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nuôi trồng hiện đại để giảm giá thành xuống mức thấp nhất có thể mà vẫn giữ được chất lượng nấm.
Đông trùng hạ thảo còn được gọi là trùng thảo, hạ thảo đông trùng hay đông trùng thảo là một giống nấm mọc ký sinh trên sâu non của một loại sâu thuộc họ cánh bướm. Nấm và sâu hợp sinh với nhau. Vì mùa đông là con sâu, mùa hạ lại thành cây cỏ nên vị thuốc này có tên là thảo dược đông trùng hạ thảo. Nấm có màu vàng, vị ngọt nhẹ, chứa nhiều hoạt chất có giá trị dược liệu cao được cả Đông - Tây y sử dụng chữa nhiều loại bệnh và bồi bổ sức khỏe. |
Huỳnh Thủy
Ý kiến bạn đọc