Multimedia Đọc Báo in

Thoát nghèo từ những mô hình sinh kế phù hợp

08:27, 19/12/2018

Nhằm tạo điều kiện về tư liệu sản xuất giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, thời gian qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã có nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Với mục đích hỗ trợ phải mang tính thiết thực, lâu dài và có tính bền vững, phù hợp với đời sống làm ăn, tập quán sinh hoạt của người dân vùng cao, mô hình hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo ở xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) đã và đang phát huy hiệu quả tốt. Sau khi điều tra, khảo sát nhu cầu phát triển kinh tế của các hộ nghèo cũng như xu hướng phát triển của người dân địa phương, tháng 9-2018, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã hỗ trợ bò sinh sản cho 16 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với số tiền 18 triệu đồng được hỗ trợ và gia đình đối ứng 1 triệu đồng, các hộ nghèo đã có được 1 cặp bò mẹ con. Với họ, đây là tài sản đáng giá, là động lực để vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống nên chịu khó chăm sóc kỹ lưỡng.

Chị H’Nim Byă (buôn Kram) cho biết, hằng ngày chị thường tranh thủ dậy sớm đi cắt cỏ cho bò rồi mới đi làm thuê. Anh Y Bur Hmok (buôn Kram) chia sẻ, từ nhiều năm nay, anh phải đi chăn bò rẽ cho một hộ dân ở địa phương, mãi đến đầu năm nay, bò sinh sản thì gia đình mới có được một con bò con, giờ được hỗ trợ thêm 2 con bò nữa, gia đình càng phấn khởi hơn bởi niềm mơ ước bấy lâu nay đã trở thành hiện thực. Bây giờ, ngoài việc đi chăn bò thuê, anh Y Bur còn dành thời gian để chăm đàn bò của gia đình. Mong muốn lớn nhất của gia đình anh bây giờ là đàn bò phát triển khỏe mạnh, sinh sản tốt để phát triển đàn.

Cán bộ làm công tác giảm nghèo kiểm tra việc phát triển sản xuất của gia đình chị H'Nim (xã Ea Tiêu).
Cán bộ làm công tác giảm nghèo kiểm tra việc phát triển sản xuất của gia đình chị H'Nim (xã Ea Tiêu).
 

“Các mô hình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo được triển khai thực hiện dựa trên điều kiện tự nhiên, đặc thù của từng địa phương và nhu cầu cần hỗ trợ của người dân. Qua đó, giúp người dân tiếp nhận, sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả”.

 
 
Ông Lê Văn Dần, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

Ở xã Krông Jin (huyện M’Đrắk), từ nhiều năm nay, phong trào nuôi dê được các hộ dân đầu tư phát triển mạnh, do đó, khi được hỗ trợ phát triển sinh kế, các hộ nghèo đã chọn mô hình nuôi dê. Theo đó, xã Krông Jin có 20 hộ nghèo được hỗ trợ nuôi dê sinh sản (mỗi hộ 4 con, đối ứng 1 triệu đồng ) với tổng kinh phí hỗ trợ 350 triệu đồng. Gia đình ông Y Ngoan Niê (buôn Ea Tlu) sau khi được hỗ trợ rất chịu khó chăm sóc đàn dê, đến nay có 3 con đã mang thai. Gia đình bà Nguyễn Thị Sơn (thôn 3) trước khi nhận hỗ trợ đã được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, làm chuồng trại và cấp phát hạt cỏ giống để trồng nhằm bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn dê nên đến nay việc nuôi khá thuận lợi...

Theo ông Y Kun Mlô, cán bộ giảm nghèo xã Krông Jin, mô hình nuôi dê sinh sản hiện đang phát triển mạnh ở địa phương, riêng thôn 3 có gần 30 hộ nuôi. Đặc tính của vật nuôi này là nhanh sinh sản, có thể tận dụng thời gian nông nhàn; mặt khác giá thành đầu ra hiện cũng rất ổn định nên đây sẽ là mô hình giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Sơn (xã Krông Jin) phấn khởi khi được hỗ trợ dê sinh sản.
Bà Nguyễn Thị Sơn (xã Krông Jin) phấn khởi khi được hỗ trợ dê sinh sản.

Có thể nói, các mô hình hỗ trợ sinh kế đã tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận đầy đủ và hiệu quả các chính sách, nguồn lực để tạo việc làm và có thu nhập ổn định; hơn thế nữa, đã khuyến khích sự chủ động tích cực tham gia của chính bản thân người nghèo, chống tư tưởng trông chờ ỷ lại, đảm bảo tính bền vững trong giảm nghèo. Ngoài mô hình hỗ trợ bò, dê sinh sản, các mô hình hỗ trợ sinh kế khác cũng đang được triển khai có hiệu quả và nhân rộng như mô hình nuôi heo rừng lai, gà, trồng điều, mít…

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.