Vay vốn tái canh cà phê: Các doanh nghiệp vẫn còn nhiều trăn trở
Với diện tích trên 40.000 ha, các doanh nghiệp sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh là lực lượng tiên phong, đi đầu trong thực hiện chương trình tái canh cà phê. Từ kết quả đạt được trong tái canh cà phê của các doanh nghiệp, không những đã góp phần “trẻ hóa” vườn cây mà còn là mô hình điểm, định hướng cho hộ nông dân làm theo.
Hiệu ứng từ một chính sách
Tháng 6-2013, tại TP. Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh và Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Agribank) đã phối hợp tổ chức “Hội nghị về giải pháp tái canh cây Cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Tại hội nghị này đã có 10 biên bản ghi nhớ được ký với 163,55 tỷ đồng vốn đầu tư tái canh cho 955,7 ha. Đây là 10 dự án tái canh mở đầu cho một chương trình đầu tư lớn của Agribank đối với cây cà phê – cây xuất khẩu chủ lực của nông nghiệp Việt Nam. Từ sự kiện này, chương trình tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh bắt đầu đi vào quy mô, bài bản và tiếp thêm nguồn lực cho các đơn vị trong thực hiện tái canh cây cà phê.
Cán bộ Agribank kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn tái canh cà phê. Ảnh: G. Nam |
Một trong những đơn vị tái canh cà phê hiệu quả là Công ty TNHH MTV 720 (Công ty 720), với 30 ha tái canh từ năm 2013, nay đã bước sang kinh doanh năm thứ hai. Công ty 720 trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, tiền thân là Nông trường 720, thuộc Liên hiệp Xí nghiệp Cà phê Việt - Xô 333. Theo ông Hà Văn Lạc, Phó Giám đốc Công ty, vườn cây cà phê của Công ty được trồng từ những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, nghĩa là cây cà phê ở đây có “tuổi thọ” từ 35 đến 40 năm. Bởi vậy, việc “trẻ hóa” vườn cây được ban lãnh đạo Công ty đặc biệt quan tâm. Vì vậy khi có chủ trương của tỉnh và được Agribank tài trợ vốn, đơn vị được tiếp thêm niềm tin và sức mạnh, là “cú huých” để đơn vị đẩy nhanh tiến độ tái canh cà phê.
Ông Lạc cho biết, hiện Công ty đang quản lý trên 700 ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích trồng cà phê là 300 ha, lúa 210 ha còn lại là đất trồng màu. Công ty triển khai thực hiện tái canh ngay từ năm đầu có chủ trương, với diện tích 78 ha trong đó 30 ha đã cho thu hoạch và được Agribank Chi nhánh Ea Kar cho vay trên 10 tỷ đồng, đến nay vườn cây phát triển tốt và cho thu hoạch với năng suất đạt từ 3,5 tấn/ha (ở năm thứ tư) đến trên 4 tấn/ha (vào năm thứ năm) trở đi, trước đó khi chưa thực hiện tái canh, năng suất chỉ đạt tối đa 2,5 tấn/ha. 48 ha đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản đã cho thu bói và năm 2018 đã tái canh thêm 28 ha, phấn đấu đến năm 2024 có 100% diện tích cà phê được tái canh.
Tại Công ty TNHH MTV Cà phê 52, ông Nguyễn Công Trị, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cho biết: nhiệm vụ chính của công ty hiện nay là tái canh cà phê. Công ty được Tổng Công ty cà phê Việt Nam phê duyệt dự án tái canh 230 ha. Năm 2016, được Agribank Chi nhánh Ea Kar cho vay 18,5 tỷ đồng cùng với vốn tự có của Công ty và sức lao động của công nhân, đơn vị đã thực hiện tái canh 72 ha, hiện đang ở giai đoạn kiến thiết cơ bản năm thứ hai và năm sau là bước sang kinh doanh năm thứ nhất. Năm 2017 đã tái canh 105 ha và kế hoạch năm 2018 là 30 ha, đến nay đã hoàn thành 92% (211 ha/230 ha) chỉ tiêu tái canh đã được Tổng Công ty phê duyệt.
Tại Hội nghị về giải pháp tái canh cây cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (tháng 6-2013), nhiều bản ghi nhớ về tài trợ vốn tái canh cho doanh nghiệp được ký kết. |
Trong khi đó, ở Công ty TNHH MTV Cà phê 719, qua trao đổi với ông Phan Trung Thành, Trưởng Phòng Nông nghiệp của Công ty, được biết, đơn vị đã thực hiện tái canh ngay từ năm đầu có chủ trương (2013) với diện tích 21 ha và được Agribank Chi nhánh Krông Pắc cho vay hơn 3 tỷ đồng, đến nay đang trong giai đoạn kinh doanh, vườn cây phát triển tốt và đã có nguồn thu để trả dần nợ vay ngân hàng. Hiện tại, vườn cây phát triển rất tốt, ít sâu bệnh và cho thu hoạch với năng suất cao hơn hẳn so với vườn cây trước đây khi chưa thực hiện tái canh.
Vẫn còn nhiều trăn trở
Việc thực hiện tái canh cây cà phê nhằm “trẻ hóa” vườn cây là hết sức cần thiết và cấp bách vì sự phát triển bền vững của ngành Cà phê Đắk Lắk nói riêng và của ngành Cà phê Việt Nam nói chung. Trong đó, Đắk Lắk là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất nước với hơn 202.000 ha, diện tích cà phê cho thu hoạch hơn 191.000 ha, kim ngạch xuất khẩu hằng năm toàn tỉnh đạt từ 500 - 700 triệu USD, đóng góp trên 40% GDP của tỉnh và đã giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 350.000 lao động trực tiếp và khoảng 120.000 lao động gián tiếp. Nhổ bỏ diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp để thực hiện tái canh sẽ góp phần ổn định sản lượng cà phê, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, mức sống của một bộ phận không nhỏ dân cư trên địa bàn. Trong chương trình này, sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp - là đầu tàu động lực thúc đẩy tiến trình tái canh nhanh, bền vững. Từ kết quả đạt được trong tái canh cà phê của các doanh nghiệp, có thể khẳng định rằng, muốn phát triển cà phê bền vững, góp phần ổn định sản lượng cà phê, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tái canh cây cà phê.
Ông Nguyễn Công Trị, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 52
|
Có một đặc điểm chung giữa các doanh nghiệp trên là diện tích cà phê đã vào giai đoạn phải tái canh đồng loạt, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, tiến độ tái canh ở đây vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu đề ra. Khó khăn nhất là vấn đề kỹ thuật. Theo quy trình tái canh do Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) ban hành, để có thể trồng lại cây cà phê, đất phải được cải tạo ít nhất trong 2 năm. Thế nhưng, theo ông Thái Văn Nhựt, Trưởng Phòng Kế hoạch – Khuyến nông Công ty TNHH MTV Cà phê Việt Đức, mặc dù đã thực hiện đúng khuyến cáo, nhưng tỷ lệ cây chết vẫn khá cao (20 - 30%). Nguyên nhân là do ở một số vườn cây, tuyến trùng rễ vẫn chưa bị tiêu diệt hết.
Trước tình trạng trên, Công ty Việt Đức đã phải thuê chuyên gia của Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên xét nghiệm tuyến trùng rễ trước khi trồng, dẫn đến việc tăng chi phí đầu tư so với định mức được ngân hàng phê duyệt. Một khó khăn khác là về các khoản vay ngân hàng, theo quy định, ngân hàng sẽ giải ngân theo từng giai đoạn tái canh với điều kiện doanh nghiệp có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, hợp đồng… liên quan đến công việc trong giai đoạn đó. Nhưng theo ông Nhựt, điều này rất khó thực hiện bởi có nhiều giai đoạn, đơn vị phải thuê nhân công, thiết bị bên ngoài mà họ thì không thể xuất hóa đơn, chứng từ được. Một vấn đề khác là quy định cấm trồng xen cây lâu năm khác trong vườn cà phê tái canh cũng “làm khó” doanh nghiệp.
Rõ ràng, các doanh nghiệp đều nhận thức được sự cần thiết phải tái canh cây cà phê trong giai đoạn hiện nay, nhưng trước những vướng mắc trên, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía, nhất là từ cơ chế, chính sách phải phù hợp với thực tế để việc tái canh sớm hoàn thành, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của cây cà phê tại Đắk Lắk nói riêng, cả nước nói chung.
Phan Quốc Lương
Ý kiến bạn đọc