Du lịch cà phê: Bao giờ trở thành "đặc sản" ? (Kỳ 2)
[links(left)]
Kỳ 2: Tạo sự bền vững cho sản phẩm
Khi nhà nước, doanh nghiệp và người trồng cà phê chưa tìm được tiếng nói chung và cùng nhau nhìn về một phía để xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch mới - trải nghiệm với cà phê thì tất yếu xảy ra những khó khăn và cần được tháo gỡ.
Thực tế cho thấy, trong hơn 10 năm xúc tiến, triển khai sản phẩm du lịch trải nghiệm với cà phê trên địa bàn Đắk Lắk, mối hợp tác, liên kết giữa các bên (Nhà nước - doanh nghiệp - nông dân) chưa đi vào thực chất và chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Trưng bày, giới thiệu thường xuyên sản phẩm cà phê để du khách tham quan, trải nghiệm cũng là giải pháp góp phần gia tăng chuỗi giá trị cho ngành hàng này. |
Trước hết là thiếu tính bền vững trong quá trình thực hiện sản phẩm du lịch trên. Điều đó dễ dàng nhận ra từ đời sống sản xuất của người trồng cà phê. Hầu hết các nông hộ có chung tâm sự, một khi đời sống ổn định thì họ mới có điều kiện hợp tác, liên kết với doanh nghiệp để làm du lịch, ngược lại thì mọi chuyện trở nên hết sức khó khăn. Ví như trước đây, những vùng cà phê trọng điểm như Thắng Lợi - Krông Pắc, Ea Tul - Cư M’gar, Việt Đức - Cư Kuin, Ea Nuôl - Buôn Đôn từng là điểm đến hấp dẫn thu hút du khách, thì nay không còn nữa. Trong vòng 5 - 7 năm gần đây, bên cạnh những nguyên nhân như giá cà phê sụt giảm, vườn cây già cỗi cho năng suất thấp, thì “hấp lực” của một số loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao như hồ tiêu, sầu riêng, bơ booth… đã khiến nhiều nông hộ vốn gắn bó với cà phê ở đây không còn mặn mà nữa. Người ta hoặc là chặt bỏ, hoặc là không muốn đầu tư bài bản và thật sự có chiều sâu cho loại cây trồng này như trước. Vì thế đời sống của “dân cà phê” ít nhiều bị loãng ra và mất đi nét đặc trưng có tính chất như một làng nghề để tham gia làm du lịch.
Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ từng có ý kiến rằng: Để biến “Thủ phủ cà phê” trở thành sản phẩm du lịch văn hóa - sinh thái mà chủ thể của nó là người nông dân không có gì khác biệt so với cư dân trồng lúa, trồng rau, hay hoa trái… thì chỉ là chuyện nửa vời. Bởi nói cho cùng, từ đời sống thực tế mới sinh ra các giá trị văn hóa, xã hội tương thích. Từ các giá trị ấy có tác động trở lại chi phối đời sống của người dân theo hướng tích cực, bền vững hơn. |
Ông Đặng Xuân Ý (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) cũng như chị Phan Như Thủy (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) cho rằng, bỏ cà phê để trồng cây khác thì dĩ nhiên cách nghĩ, cách làm cho đến tâm tư, tình cảm của mình cũng khác đi. Những gì liên quan đến cà phê - từ điều kiện, hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất không còn nguyên vẹn, sinh động như trước nên không thể đáp ứng hoạt động du lịch trải nghiệm với cà phê. Ông Ý cho hay, những kỳ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột trước đó (năm 2009, 2011 và 2013) có khá nhiều du khách đến tham quan vườn cà phê nhà ông cũng như các hộ gia đình khác trong vùng, tất cả không ngần ngại đáp ứng nhu cầu của “thượng đế”: tưới nước, tỉa cành, thu hái, pha chế và thưởng thức cà phê đều được thỏa mãn, vì tất cả đều đã có sẵn - và hơn thế, đó còn là một phần không thể tách rời trong đời sống của người làm cà phê nên việc hướng dẫn, chia sẻ cùng du khách về “một thế giới cà phê” với tư cách người trong cuộc hẳn là điều khá dễ dàng. Còn nay, các yếu tố cần và đủ ấy đang mất dần, khiến cộng đồng sản xuất cà phê không thể bắt tay với doanh nghiệp làm du lịch như một sinh kế mới mẻ và đầy hứa hẹn.
Nhiều đơn vị kinh doanh du lịch thừa nhận, từ những yếu tố bất lợi đó đã khiến mối liên kết, hợp tác giữa người nông dân và doanh nghiệp có ý tưởng xây dựng và thực hiện tour du lịch với cà phê gặp rất nhiều trở ngại. Như vài năm trước, dịp Tết Nguyên đán đến cũng là thời điểm cà phê bắt đầu ra hoa và sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm với vườn rẫy của người nông dân rất được du khách ưa chuộng. Còn 2 - 3 năm nay, mặc dù đã có khách hàng đặt tour trước, nhưng khó thực hiện vì những lý do như đã nêu.
Theo một số đơn vị làm du lịch đã từng đưa tour Trải nghiệm với cà phê Buôn Ma Thuột vào “thực đơn” của mình như Công ty Du lịch - Thương mại DamSan, Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Đặng Lê, Công ty Cổ phần Du lịch cộng đồng Kô Tam hay hãng lữ hành tầm cỡ Vietravel - Chi nhánh Buôn Ma Thuột… thì khả năng và tâm huyết đầu tư, liên kết với người trồng cà phê nhằm tạo ra sự bền vững cho sản phẩm du lịch kia đã mất cơ hội do không gian sống và cũng là không gian văn hóa của cư dân tại các vùng cà phê đã thay đổi, hay nói đúng hơn là đã mất đi nền tảng để xác lập mối hợp tác, liên kết theo hướng bền vững như mong muốn.
Hướng bền vững ở đây cũng cần sự “cầm trịch” của nhà nước trong việc quản lý, hoạch định chủ trương và chính sách cho ngành cà phê, trong đó có hàng vạn nông hộ trực tiếp sản xuất loại cây trồng chiến lược này. Nhiều người cho rằng chủ trương, giải pháp nâng cao chuỗi giá trị gia tăng cho ngành cà phê đã được chính quyền địa phương thực thi nhiều năm qua, nhưng chưa thật sự chú trọng đến yếu tố bền vững giúp người nông dân sống được với loại cây trồng mà họ đã lựa chọn, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Yếu tố bền vững ở đây không chỉ là câu chuyện chất lượng, vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu… mà còn phải tạo ra được nét khác biệt cho cư dân trồng cà phê trên vùng đất Đắk Lắk. Để khi nhìn vào đó, bất cứ ai cũng nhận ra đời sống sinh hoạt, sản xuất và hưởng thụ của “dân cà phê” có những đặc tính khác biệt, không giống như những vùng miền khác. Chính sự khác biệt ấy là nền tảng quan trọng để hướng tới xác lập giá trị văn hóa phục vụ mục tiêu phát triển du lịch nói chung, trong đó có sản phẩm du lịch “đặc sản” - du lịch với cà phê.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc