Multimedia Đọc Báo in

Dư luận thế giới đánh giá Kinh tế Việt Nam năm 2018 tỏa sáng

10:07, 02/01/2019

Với mức tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 7,08%, kinh tế Việt Nam đã bứt phá ngoạn mục, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực. Thành tựu này đã được dư luận thế giới đánh giá cao...

Việt Nam nằm trong top những nền kinh tế mới nổi trội nhất thế giới

Báo cáo mang tên “Outperformers: High-growth emerging economies and the companies that propel them” (tạm dịch: Những nền kinh tế nổi trội đang lên và động lực thúc đẩy) do Tập đoàn tư vấn chiến lược kinh doanh quốc tế McKinsey (MGI) của Mỹ công bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2018 đã đánh giá Việt Nam nằm trong top những nền kinh tế mới nổi trội nhất thế giới. Theo báo cáo này, Việt Nam nằm trong số 18 nền kinh tế được đánh giá là đạt hiệu quả vượt trội trong nửa thế kỷ trở lại đây. Cụ thể, Việt Nam thuộc nhóm có kinh tế tăng trưởng GDP tính theo đầu người đạt hơn 5% trong hai thập kỷ qua dựa trên thu nhập và thang điểm xếp loại của Ngân hàng Thế giới (WB).

Theo WB, nhóm 18 nền kinh tế tăng trưởng vượt trội nói trên đã đưa 1 tỷ người thoát khỏi đói nghèo (dưới mức 1,9 USD/ngày). Riêng Việt Nam, nhờ các chính sách phù hợp, kết hợp lợi thế nhân công đã biến Việt Nam thành nền kinh tế có giá trị xuất khẩu cao, đặc biệt là ngành điện tử với doanh thu xuất khẩu tăng hơn 50% mỗi năm, kể từ năm 2009. Ngoài kinh tế, các chỉ số khác cũng tăng trưởng khá ngoạn mục như chỉ số phát triển con người, khoảng cách tiếp cận y tế, giáo dục, dịch vụ tài chính và công nghệ, khoảng cách giới về lao động... cũng đã được cải thiện mạnh mẽ. Cũng theo báo cáo của MGI, các nền kinh tế mới nổi chiếm gần 2/3 mức tăng trưởng GDP của cả thế giới và hơn một nửa lượng tiêu thụ mới trong vòng 15 năm trở lại đây.

Lễ hội đường phố trong khuôn khổ Festival Cà phê Buôn Ma Thuột.    Ảnh: L. Hương
Lễ hội đường phố trong khuôn khổ Festival Cà phê Buôn Ma Thuột. Ảnh: L. Hương

Kinh tế Việt Nam bứt phá mạnh trong năm 2018

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2018. Động lực tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam chính là sự mở rộng mạnh mẽ của lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu, gia tăng tiêu dùng nội địa, dòng vốn đầu tư FDI và doanh nghiệp trong nước, cũng như cải thiện lĩnh vực nông nghiệp. Báo cáo còn đề cập tới rủi ro trong khu vực tài chính đến từ lượng nợ xấu chưa được xử lý và các ngân hàng thiếu vốn là nguồn rủi ro nội tại đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam trong tương lai gần.

Kết thúc năm 2018, tờ Thời báo Tài chính (FT) - Anh đã công bố nghiên cứu, do kinh tế phát triển, người dân Việt Nam có xu hướng chi tiêu mạnh hơn. Xu hướng này còn tiếp tục gia tăng, nhờ tâm lý người tiêu dùng của người Việt Nam về nền kinh tế đang phát triển tốt đẹp.

Với tựa đề “Chi phí sinh hoạt tại Việt Nam 2018”, tạp chí trực tuyến Alittleadrift.com (AC) của Mỹ nhận định Việt Nam là “miền đất đáng sống”, nơi có nhiều danh lam thắng cảnh, món ăn lạ miệng, chi phí sinh hoạt hợp lý. Theo bài viết, chỉ cần chi 700-1200 USD, một người xa xứ đến từ các nước Âu - Mỹ có thể duy trì cuộc sống không khác gì ở chính quốc. Trong khi đó người dân Việt Nam có mức lương trung bình từ 148 đến 500 USD nhưng cuộc sống của họ vẫn đảm bảo bởi giá cả hợp lý, sức mua của đồng tiền nội tệ tương đối ổn định.

Việt Nam sẽ trở thành trung tâm công nghệ tài chính ở Đông Nam Á

Đánh giá về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong tương lai gần, theo tờ Bưu điện Asian (TAP) của Malaysia số ra đầu tháng 12-2018, Việt Nam là một “con hổ đang lên" và có nền kinh tế được xem là năng động, phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, triển vọng sẽ trở thành trung tâm công nghệ tài chính (Fintech) của khu vực trong tương lai không xa. Theo bài viết đăng trên trang mạng của TAP, kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ấn tượng và ổn định. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện, tầng lớp trung lưu và sức mua của người dân không ngừng tăng nhanh, số người sử dụng Internet đạt ngưỡng cao. Đây là những hành trang rất cần để giúp Việt Nam trở thành một trung tâm khởi nghiệp, tiếp cận nền kinh tế kỹ thuật số và chờ đón cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến gần. Cũng theo bài viết, do thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài từ khắp nơi đổ về nên nền kinh tế Việt Nam vô cùng sôi động. Riêng lĩnh vực Fintech, Việt Nam hiện đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn như Korea Investment Partners (KIP) của Hàn Quốc, Mirae Asset Venture Investment, Alibaba hay Samsung Pay....

Với bài viết “Vietnam is Southeast Asia’s new industrial powerhouse” (Việt Nam đang trở thành trung tâm công nghiệp mới của Đông Nam Á), tờ Business.inquirer.net (BIN) của Anh đánh giá trong hơn 20 năm qua, Việt Nam từ một nền kinh tế nông nghiệp thuần túy đã trở thành một trong những điểm đến thu hút đầu tư công nghiệp sản xuất lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Theo BIN, lý do dẫn đến thành công của Việt Nam chính là sự lãnh đạo sáng suốt, nhạy bén của Đảng và Chính phủ Việt Nam. Chú trọng tới lĩnh vực xuất khẩu, xây dựng các khu công nghiệp và kinh tế chuyên biệt theo quy hoạch, tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do và có lực lượng lao động trẻ, năng động và cần mẫn. Những yếu tố này đã giúp Việt Nam thu hút một lượng vốn đầu tư lớn từ nước ngoài. Tuy nhiên, BIN cũng nêu ra những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới, khuyến cáo Việt Nam cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào phát triển hạ tầng, nhất là đường cao tốc và các cảng biển nước sâu.

Khắc Duy

(Dịch từ MC/TAP/BIN/AAC/BBC – 2018)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.